Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu hôm nay 8/2: Dầu thế giới bật tăng trở lại; VCCI đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Giá xăng dầu hôm nay 8/2, giá dầu thế giới bật tăng trở lại bởi nhiều yếu tố trong đó có dự trữ dầu của Mỹ giảm, nhu cầu của Trung Quốc tăng.

Giá xăng dầu hôm nay 8/2

Giá dầu đã tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 7/2. Giá dầu đã tăng tốc sau khi chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ xoa dịu những lo ngại của thị trường về việc tăng lãi suất. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu phục hồi ở Trung Quốc cũng là nhân tố thúc đẩy giá.

Giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 2,70 USD, tương đương 3,3%, lên mức 83,69 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 3,03 USD, tương đương 4,1%, lên mức 77,14 USD/thùng.

Theo Reuters, ngày 7-2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố vào tuần trước chỉ đơn giản khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có một số cách để tiếp tục tăng lãi suất.

Mặc dù từ chối cho biết liệu việc biết về sức mạnh của dữ liệu có ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần trước hay không, ông Powell nói với Câu lạc bộ Kinh tế Washington rằng số lượng việc làm tháng Giêng cho thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là một quá trình mất nhiều thời gian.

Chỉ số USD giảm cũng là một nhân tố đẩy giá dầu leo dốc.

Dự báo nhu cầu mạnh hơn ở Trung Quốc cũng hỗ trợ giá dầu trong quá trình tăng tốc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến 1/2 tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc và cho biết thêm rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay đang tăng lên.

Trong một diễn biến khác, Arab Saudi, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, lần đầu tiên tăng giá dầu thô chủ lực đối với người mua châu Á trong 6 tháng trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Nhận xét về động thái mới này của Arab Saudi, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết điều đó dường như gửi đi thông điệp rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại là có thật và nếu Arab Saudi không ngại tăng giá dầu thì điều đó có nghĩa là nhu cầu khá tốt.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động tại kho cảng xuất khẩu dầu 1 triệu thùng/ngày ở Ceyhan đã bị tạm dừng sau khi một trận động đất lớn xảy ra trong khu vực. Dự kiến kho cảng BTC xuất khẩu dầu thô Azeri sang thị trường quốc tế sẽ tiếp tục đóng cửa ngày hôm nay.

Việc đóng cửa Giai đoạn 1 với công suất 535.000 thùng/ngày của mỏ dầu Johan Sverdrup ở khu vực Biển Bắc của Na Uy cũng làm tăng giá dầu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8/2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.329 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.147 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.524 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.576 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.934 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng từ 19 giờ ngày 30/1. Theo điều chỉnh, giá các loại xăng dầu tăng gần 1.000 đồng/lít (kg).

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo VCCI, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

VCCI cũng cho rằng, thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Trong phương thức điều hành giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở. Công thức tính cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất. Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. Tại văn bản số 288/BCT-TTTN ngày 18-1-2023, Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Đối với phương án 1, VCCI lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án này. Cần lưu ý rằng, tinh thần “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới được đưa ra khi xây dựng công thức tính giá. Các Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các văn bản trước đó đều coi việc “tính đúng, tính đủ” chi phí cho doanh nghiệp là nguyên tắc khi xây dựng công thức tính giá. Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không làm được. Như vậy, nếu chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được.

Đối với phương án 2, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí.

Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu (các vấn đề này sẽ được phân tích ở phần sau) và điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Với những phân tích trên, VCCI đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án 2. Lý do lựa chọn là vì có biện pháp khắc phục nhược điểm của phương án 2, trong khi phương án 1 không có biện pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm.

Trong trường hợp lần sửa đổi này tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần có lộ trình để sớm sửa đổi theo phương án 2. Bởi như đã phân tích, nếu cơ chế quản lý giá này kéo dài thì an ninh năng lượng luôn bấp bênh và hạ tầng năng lượng sẽ không được đầu tư, phát triển, nhanh chóng xuống cấp.

Nguồn tin: Thế giới & Việt nam

ĐỌC THÊM