Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu hôm nay 9/2: Tiếp đà leo dốc; Bộ nào sẽ quản lý giá xăng dầu?

Giá xăng dầu hôm nay 9/2, giá dầu thế giới tiếp đà tăng, giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 1,40 USD, tương đương 1,7%, lên mức 85,09 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,33 USD, tương đương 1,7%, lên mức 78,47 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 9/2

Giá dầu tăng phiên thứ ba liên tiếp ngày 8/2 do các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn sau nhận xét ít diều hâu hơn của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến lo ngại về việc tăng lãi suất trong tương lai giảm bớt.

Ngày 7/2, trả lời trong một phiên hỏi - đáp tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố vào tuần trước chỉ đơn giản khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có một số cách để tiếp tục tăng lãi suất và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là một quá trình mất nhiều thời gian.

Nhận xét của ông Powell được cho là ít diều hâu hơn, tăng khẩu vị rủi ro và gây áp lực lên đồng USD.

Các nhà đầu tư hy vọng việc Mỹ tăng lãi suất nhẹ hơn sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được suy thoái hoặc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.

Việc Trung Quốc chấm dứt các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19 cũng được cho là sẽ hỗ trợ nhu cầu nhiên liệu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tiêu thụ dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 1/2 mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay là 1,9 triệu thùng/ngày. Đặc biệt, IEA nhận thấy nhu cầu về nhiên liệu máy bay và dầu diesel được cải thiện đáng kể, thể hiện sự gia tăng trong hoạt động du lịch và công nghiệp. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 101,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Stephen Brennock của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết nhu cầu dầu tăng cao cùng với tăng trưởng nguồn cung toàn cầu mờ nhạt sẽ khiến cân bằng cung - cầu sẽ thắt chặt trong những tháng tới.

Về nguồn cung, OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, tuần trước đã quyết định giữ nguyên các hạn chế sản lượng và một quan chức Iran hôm 8/2 cho biết nhóm này có thể sẽ tuân thủ chính sách hiện tại ở cuộc họp tiếp theo.

Trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từ đầu tuần đã chặn dòng chảy dầu thô từ Iraq và Azerbaijan ra khỏi cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.

BP Azerbaijan đã tuyên bố bất khả kháng đối với các lô dầu thô Azeri từ cảng. Đường ống của Iraq đến Ceyhan đã nối lại dòng chảy hôm 7/2.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9/2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.329 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.147 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.524 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.576 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.934 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng từ 19 giờ ngày 30/1. Theo điều chỉnh, giá các loại xăng dầu tăng gần 1.000 đồng/lít (kg).

Gần đây, trong thời gian lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo, thì Bộ Tài chính và Bộ Công Thương liên tục có những phát ngôn đề nghị chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về một đầu mối.

Vậy, quyền điều hành giá xăng dầu nên chuyển về một đầu mối Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính, hay là giữ nguyên cơ chế liên bộ như hiện nay? Mỗi phương án có những ưu điểm và hạn chế gì?

Tại dự thảo Nghị định lần 1, Bộ Công Thương đưa ra phương án giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, bao gồm tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, tại dự thảo lần 2, thì Bộ này lại đề nghị giữ nguyên chế quản lý liên bộ như hiện nay. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhiều chuyên gia không đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương đưa ra, cho rằng nó đi ngược với chủ trương sửa đổi Luật Giá dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2023. Theo Luật giá sửa đổi thì sẽ phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương, có nghĩa là lĩnh vực hàng hoá do bộ ngành nào quản lý, thì bộ đó sẽ xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá cả mặt hàng đó.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, hiện là Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cũng nghiêng về phương án nên giao đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương. Bởi cơ chế quản lý liên Bộ như thời gian qua là rất bất cập, dẫn đến vướng mắc thực tế đã xảy ra. Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý giá xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, nên giao cho một đầu mối là Bộ Công Thương chủ trì, song liên bộ Công thương - Tài chính cần trao đổi để phân định nhiệm vụ và phối hợp cụ thể.

Việc phân rõ trách nhiệm quản lý sẽ giúp chúng ra có một thị trường xăng dầu vận hành tốt hơn. Điều này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ phân công thống nhất một bộ quản lý duy nhất một mặt hàng cũng như tinh thần Luật giá sửa đổi.

Nguồn tin: Thế giới & Việt nam

ĐỌC THÊM