Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hai nguy cơ lớn đe dọa kinh tế thế giới

Hai sự kiện diễn ra mới đây cho thấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng tái phát và thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại-tiền tệ mới.

Việc Nhật Bản hôm 15/9 đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm làm cho đồng Yên yếu đi bằng cách bán ra khoảng 1.000 tỷ yên (khoảng 20 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua, Nhật Bản can thiệp vào thị trường hối đoái và cũng là lần can thiệp mạnh tay nhất từ trước đến nay. Động thái này đã phá vỡ thỏa thuận bất thành văn là tránh can thiệp tiền tệ đơn phương giữa các nền kinh tế phát triển.

Trước đó Tokyo đã đe dọa hành động để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, sau khi đồng Yên lên giá hơn 10% so với đồng USD kể từ tháng 5/2010. Đồng tiền này cũng tăng mạnh so với đồng Euro và đồng Nhân dân tệ (NDT).

Sau đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có hai cuộc điều trần trước quốc hội về chính sách tiền tệ của Trung Quốc, trong đó yêu cầu Trung Quốc để cho đồng NDT lên giá nhanh hơn và mạnh hơn, đồng thời ngụ ý sẽ có hành động trừng phạt nếu Bắc Kinh không chấp nhận điều này. Các nghị sỹ Mỹ của cả hai đảng đều đổ lỗi cho Trung Quốc khiến nhiều người Mỹ mất việc làm và chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama đã không chính thức lên án Bắc Kinh “thao túng tiền tệ”, cũng như không áp đặt thuế và các biện pháp trừng phạt khác đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Hai sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay mang tính hệ thống và quá trình hồi phục thực sự bền vững vẫn chưa xuất hiện. Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và sự hồi phục yếu ớt của kinh tế Mỹ khiến nhiều chính phủ trên thế giới tìm cách giành thêm phần trong “miếng bánh xuất khẩu” toàn cầu. Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và xuất khẩu trì trệ, các diễn biến mới nhất nói trên chắc chắn sẽ làm gia tăng xung đột thương mại giữa các quốc gia vốn là đối thủ cạnh tranh.

Mỹ và Liên minh châu Âu - đi đầu là cường quốc xuất khẩu Đức - đã chủ động theo đuổi một chính sách giảm giá nội tệ nhằm giành lợi thế xuất khẩu. Trong số các nền kinh tế lớn, Nhật Bản chịu thiệt nhiều nhất từ cuộc ganh đua này, do các nhà đầu tư và đầu cơ chuyển các giao dịch từ đồng USD và Euro sang đồng Yên, khiến tỷ giá hối đoái của đồng tiền này tăng mạnh. Việc này đã “xát muối” vào mối quan hệ vốn tiềm ẩn nhiều tranh chấp giữa Nhật Bản với Mỹ và EU. Nhật Bản cũng phản đối việc Trung Quốc cố tình ghìm giá đồng NDT và kích giá đồng Yên, thông qua việc tăng cường mua trái phiếu chính phủ Nhật.

Nhật Bản là nước đầu tiên trong số các nền kinh tế lớn của thế giới can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực ra, hành vi can thiệp này khá phổ biến và đang lan rộng. Các đồng nội tệ của Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore đều bị tăng giá khoảng 30% so với đồng nhân dân tệ. Cùng với Đài Loan, các nước nói trên đã tìm cách đối phó trên thị trường tiền tệ bằng việc mua vào đồng USD nhằm làm chậm lại quá trình này. Tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho biết nước ông sẵn sàng mua vào đồng USD nhằm ngăn chặn sự lên giá của đồng nội tệ Real.

Mặc dù vẫn chưa chính thức lên tiếng, song các ngân hàng trung ương và chính phủ ở Mỹ và EU đều tỏ ý rằng hành động can thiệp nói trên của Nhật Bản trái ngược với của họ. Jean-Claude Juncker, phụ trách nhóm 16 bộ trưởng tài chính của Khối sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozopne), nói: “Các hành động đơn phương không phải là cách thích hợp để giải quyết tình trạng mất cân đối toàn cầu”. Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Sander Levin, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện Mỹ, cho rằng hành động can thiệp của Nhật Bản là “chính sách tỷ giá cướp bóc”.

Động thái của Nhật Bản cũng châm ngòi một loạt cảnh báo của giới phân tích về một cuộc chiến giảm giá tiền tệ, tương tự như cuộc chiến góp phần gây ra sự lụn bại của nền thương mại toàn cầu trong thập niên 1930. Chuyên gia Noriko Hama tại Đại học Doshisha của Nhật Bản nói: “Nó hầu như tạo tiền lệ bên khác đơn phương can thiệp vào tỷ giá hối đoái và kích động một cuộc chạy đua giảm giá tiền tệ”.

Trong khi đó, cuộc điều trần của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện Mỹ là nhằm mục đích gia tăng sức ép nhằm vào Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ có trách nhiệm phải báo cáo trước quốc hội trước ngày 15/10 về tình hình tiền tệ quốc tế và nêu đích danh các nước bị cho là “thao túng tiền tệ”. Bất cứ nước nào bị nêu tên cũng sẽ phải chịu tăng thuế và các biện pháp trừng phạt khác khi xuất hàng vào thị trường Mỹ. Các cuộc điều trần biến thành diễn đàn để các nhà lập pháp Mỹ trút giận vào Trung Quốc nhằm chứng tỏ họ đang bảo vệ việc làm cho người dân trong nước.

Trước đó, nghiệp đoàn ngành thép đã đệ đơn lên Đại diện Thương mại Mỹ phản đối các chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái sinh. Về phần mình, chính quyền Obama hôm 16/9 thông báo đã kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới về hai việc: hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thép đặc chủng và gây khó khăn cho các công ty thẻ tín dụng Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Nguồn:tamnhin.net

ĐỌC THÊM