Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 02/03/2022

Bản tin dầu thô chiều 02/03/2022

Giá dầu vọt lên mức cao nhất 7 năm vào sáng thứ Tư do lo ngại gián đoạn nguồn cung gia tăng sau các lệnh trừng phạt nặng nề đối với ngân hàng Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang, trong khi các thương nhân tranh nhau tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế trong một thị trường vốn đã khan hiếm cung.

Theo đó, dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 6,09 USD, tương đương 5,8%, lên 111,06 USD/thùng.

Giá dầu thô WTI giao tháng 4 cũng tăng 6,18 USD, tương đương 5,98%, lên 109,59 USD/thùng.

Nhà kinh tế Justin Smirk của Westpac cho biết: “Sự gián đoạn thương mại đang bắt đầu thu hút sự chú ý của mọi người”.

Ông nói: “Các vấn đề xung quanh việc tài trợ thương mại và bảo hiểm - tất cả đều ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Biển Đen. Các cú sốc về nguồn cung đang diễn ra”.

Xuất khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu.

Exxon Mobil hôm thứ Ba cho biết họ sẽ rút khỏi các hoạt động dầu khí ở Nga cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. Quyết định này sẽ khiến công ty rút khỏi việc quản lý các cơ sở khai thác lớn trên đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông của Nga.

Đồng thời, mặc dù các cường quốc phương Tây không trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng, nhưng các nhà giao dịch của Mỹ tại các trung tâm ở New York và vùng Vịnh Hoa Kỳ đang tránh xa dầu thô của Nga.

"Mọi người không chạm vào dầu của Nga. Bạn có thể nhìn thấy một số thùng dầu trên biển vào lúc này, nhưng chúng đã được mua trước khi cuộc xâm lược xảy ra. Sẽ không có nhiều dầu sau đó", một thương nhân ở cảng New York nói với Reuters.

Tập đoàn lọc dầu nhà nước Bharat của Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn dầu bổ sung từ các nhà sản xuất Trung Đông cho tháng 4, do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể ảnh hưởng đến việc giao dầu thô Urals.

Các nguồn tin thương mại cho biết, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia có thể sẽ tăng mạnh giá dầu thô ở châu Á trong tháng 4, với mức chênh lệch đối với hầu hết các loại đạt mức cao nhất từ trước tới nay khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do các vấn đề về tài chính và vận chuyển từ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Việc phối hợp giải phóng 60 triệu thùng dầu của các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã được nhất trí hôm thứ Ba sẽ làm kìm hãm đà tăng của thị trường, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ chỉ giúp cứu vãn nguồn cung tạm thời.

"Chúng đã giúp hạn chế đà tăng, nhưng nếu muốn giá quay đầu, thì cần thứ gì đó bền vững hơn", Smirk nói.

Các kho dự trữ dầu thương mại đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, IEA cho biết.

Trong bối cảnh đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày hôm nay và được cho là sẽ tiếp tục tuân thủ kế hoạch bổ sung 400.000 thùng/ngày vào mỗi tháng.

Càng cho thấy rõ sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường, dữ liệu mới nhất từ Viện Dầu mỏ Mỹ API hôm thứ Ba cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25 tháng 2.

Tồn kho xăng cũng giảm 2,5 triệu thùng. Trong khi các kho dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 400.000 thùng. Còn dự trữ tại Cushing giảm 1 triệu thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ sẽ công bố dữ liệu hàng tuần vào thứ Tư, với các nhà phân tích do Reuters thăm dò dự kiến ​​tồn kho dầu thô sẽ tăng 2,7 triệu thùng.

Bản tin dầu thô sáng ngày 02/03/2022

Thị trường dầu mỏ chốt ở mức cao nhất 7 năm 6 tháng hôm thứ Ba sau khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa các lực lượng Nga và Ukraine thất bại, và các thương nhân lo ngại rằng các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Moscow sẽ dẫn đến sự ngừng hoạt động xuất khẩu từ một quốc gia trung tâm của nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã tăng 3,98 đô la, tương đương 4%, ở mức 104,97 đô la/thùng , mức đóng phiên cao nhất kể từ tháng 8 năm 2014. Brent tăng vọt lên mức cao nhất là 107,97 đô la trong phiên, cũng đánh dấu mức cao nhất trong 7 năm rưỡi .

Dầu thô West Texas Intermediate, hay còn gọi là WTI, chuẩn dầu Hoa Kỳ, tăng 7,69 đô la, tương đương 8%, ở mức 103,41 đôla/thùng. WTI đạt mức 106,75 đô la trong phiên, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014.

Giá dầu tăng hôm thứ Ba diễn ra bất chấp việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris thông báo sự phối hợp giải phóng 60 triệu thùng từ nguồn dự trữ khẩn cấp của các nước tiêu thụ để hỗ trợ phần nào cho 31 quốc gia có tư cách thành viên.

EIA cho biết họ có ý định “gửi một thông điệp thống nhất và mạnh mẽ tới các thị trường dầu mỏ toàn cầu rằng sẽ không có tình trạng thiếu hụt nguồn cung do hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine.”

Nhưng các nhà phân tích cho rằng sự mất mát trong nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho thị trường có thể là quá nhiều để bỏ qua.

Khoảng 10% lượng dầu thô của thế giới và 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu do Nga cung cấp.

Hôm thứ Ba, chính phủ Vương quốc Anh đã thêm vào động thái của thế giới nhằm cô lập Nga bằng cách khởi động một cuộc đánh giá khẩn cấp về mức độ tiếp xúc của Anh với các tập đoàn năng lượng và khí đốt của Nga, tờ Financial Times đưa tin.

BP của Anh trước đó đã cho biết vào Chủ nhật rằng họ đang rút 14 tỷ đô la cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga.

Shell thuộc sở hữu của Anh-Hà Lan cho biết họ sẽ rút khỏi tất cả các hoạt động của mình ở Nga, bao gồm cả một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn.

Xuất khẩu khí đốt của Nga dường như cũng sẽ bị ảnh hưởng trong những tháng tới, với IEA cho biết họ sẽ công bố vào thứ Năm một kế hoạch 10 điểm về cách các nước châu Âu có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào mùa đông tới.

Động thái này diễn ra sau cuộc họp hôm thứ Ba giữa các bộ trưởng của các quốc gia tiêu thụ năng lượng đã thảo luận về việc “tìm kiếm các nhà cung cấp khác, bao gồm cả thông qua LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), và tiếp tục theo đuổi việc tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch,” IEA cho biết.

Khoảng một phần ba lượng khí đốt ở châu Âu là từ các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Yamal của Nga. Có rất nhiều suy đoán rằng sẽ cần xuất khẩu LNG cao hơn của Mỹ để bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nào trong dòng khí đốt của Nga sang châu Âu.

Hợp đồng khí đốt tự nhiên front-month của Mỹ tăng 3,5% ở mức 4,57 đô la/đơn vị nhiệt vào thứ Ba.

Phương Tây ban đầu đã tỏ ra chần chừ khi không nhắm mục tiêu vào xuất khẩu năng lượng của Matxcơva bằng các lệnh trừng phạt do sự phụ thuộc của chính họ vào dầu và khí đốt của Nga.

Nhưng suy nghĩ đó đã thay đổi vào cuối tuần, với việc Hoa Kỳ, Anh, Châu Âu và Canada chặn quyền truy cập của nhiều ngân hàng Nga vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT - bóp chết hàng tỷ đô la dầu và các hàng hóa khác mà Nga giao dịch mỗi ngày.

Các quan chức EU hôm thứ Hai khẳng định kế hoạch của họ nhằm ngăn khối khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đồng thời sẵn sàng đối mặt với giá dầu và khí đốt tăng cao trong ngắn hạn. Giá dầu thô đã tăng hơn 35% kể từ đầu năm, trong khi giá khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng khoảng 23%.

Đợt tăng giá năng lượng mới nhất diễn ra trước cuộc họp hôm thứ Tư của liên minh sản xuất dầu toàn cầu OPEC +, tổ chức này dự kiến sẽ tiếp tục với chiến lược tăng sản lượng từ từ, bỏ qua lời kêu gọi từ các quốc gia tiêu thụ thuộc IEA.