Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 14/03/2022

 

Bản tin dầu thô chiều 14/3/2022

Dầu kéo dài đà giảm vào sáng thứ Hai trong phiên châu Á, với mức giảm khoảng 4 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch, sau khi Mỹ cho biết Nga có thể sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Theo đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 giảm 1,93% xuống 110,50 USD/thùng và dầu WTI giao tháng 4 giảm 2,36% ở mức 106,73 USD/thùng.

Cả hợp đồng tương lai Brent và WTI đều tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 và tăng khoảng 40% vào năm 2022 cho đến nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman cho biết hôm Chủ nhật rằng Nga có thể sẵn sàng có các cuộc đàm phán thực chất về Ukraine, ngay cả khi chiến sự vẫn tiếp diễn.

Cả hợp đồng dầu Brent và WTI kỳ hạn đều đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 vào đầu tuần do lo ngại về nguồn cung sau khi phương Tây, bao gồm Mỹ và một số nước châu Âu, xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Mỹ sau đó đã tuyên bố cấm nguồn cung của Nga, trong khi Anh đang tìm cách loại bỏ dần sự phụ thuộc vào cuối năm 2022. Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại Mỹ, Yousuf Al Otaiba, trong tuần trước cho biết đất nước của ông ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) xem xét nâng sản lượng cao hơn. Những bình luận này ​​càng tạo thêm áp lực giảm giá.

Một số thành viên OPEC và các đồng minh (OPEC+) tiếp tục chật vật để đạt được hạn ngạch sản lượng hiện có, do thiếu đầu tư và năng lực dự phòng để thúc đẩy sản xuất hơn nữa.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu trên toàn cầu và chiếm khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày.

Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: "Lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với nhập khẩu dầu thô của Nga đã khiến giá tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu không có châu Âu tham gia vào động thái này, nguy cơ thắt chặt hơn nữa trên thị trường dầu đã giảm".

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ nối lại vào thứ Hai, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin Dmitry Peskov nói với truyền thông vào ngày Chủ nhật. Bình luận của Peskov được đưa ra sau khi cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết Ukraine và Nga đang tích cực tiến hành các cuộc đàm phán vào Chủ nhật.

Trong một diễn biến khác, các cuộc đàm phán hạt nhân Iran đã bị tạm dừng "do các yếu tố bên ngoài", một quan chức hàng đầu của EU cho biết hôm thứ Sáu.

Bản tin dầu thô sáng 14/3/2022

Giá dầu giảm vào đầu phiên giao dịch, kéo dài đà giảm của tuần trước, khi một quan chức Mỹ cho biết Nga đang có dấu hiệu sẵn sàng có các cuộc đàm phán thực chất về Ukraine.

Dầu thô Brent giao tháng 5 giảm 1,82 USD, tương đương 1,6%, xuống 110,85 USD/thùng. Dầu thô WTI giao tháng 4 giảm 2,41 USD, tương đương 2,2%, xuống 106,92 USD/thùng.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào cuối tháng Hai, mà Moscow gọi là một "hoạt động đặc biệt," đã làm chao đảo thị trường năng lượng trên toàn cầu. Dầu Brent tuần trước đã giảm 4,8% sau khi chạm mức 139,13 USD vào ngày 7 tháng 3. Dầu thô của Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tuần là 5,7% sau khi chạm mức cao 130,50 USD vào ngày 7 tháng 3. Cả hai hợp đồng đều chạm đỉnh vào năm 2008.

Các nhà đầu tư đã lo ngại về một thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn sau hành động của Nga. Giá đã giảm vào tuần trước khi các nhà giao dịch đánh giá khả năng cải thiện triển vọng nguồn cung vốn đã bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Nga đang có dấu hiệu sẵn sàng có các cuộc đàm phán thực chất về Ukraine, ngay cả khi Moscow đang có ý định "tiêu diệt" nước láng giềng của mình.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc đàm phán Nga-Ukraine hiện chưa diễn ra nhưng sẽ tiếp tục vào thứ Hai.

Ông Peskov đưa ra bình luận sau khi cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết Ukraine và Nga đang tích cực tiến hành các cuộc đàm phán vào Chủ nhật.

Hôm Chủ nhật, Nga cho biết họ đang trông cậy vào Trung Quốc để giúp nước này chống lại đòn kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine, nhưng Mỹ cảnh báo Bắc Kinh không nên cung cấp cứu cánh đó.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan, người sẽ gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome vào thứ Hai, cảnh báo Bắc Kinh rằng họ sẽ "hoàn toàn" phải đối mặt với hậu quả nếu giúp Moscow né các lệnh trừng phạt sâu rộng.

Sự kiện đáng chú ý trong tuần là cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 15 – 16/3. Sau nhiều tháng đồn đoán, hiện thị trường chắc chắn đến 99,99% rằng Fed sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong thời đại dịch. Điều còn mơ hồ là liệu Chủ tịch Fed có giữ cách tiếp cận chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm hay buộc phải mạnh tay hơn ở 0,5 điểm phần trăm.

Fed được dự báo có thể tăng lãi suất tới 7 lần năm nay, bằng số lần họp của Fed. Thị trường vẫn còn một yếu tố nữa cần theo dõi là quy mô bảng cân đối kế toán của Fed, hiện lên gần 9.000 tỷ USD sau khi ngân hàng trung ương Mỹ mua vào trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giữ triển khai thêm 13 giàn khoan dầu và khí, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 663, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.