Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 19/07/2021

Bản tin dầu thô chiều 19/7/2021

Giá dầu giảm vào sáng thứ Hai trong phiên châu Á khi giới đầu tư tiếp tục tập trung vào thỏa thuận tăng sản lượng của tổ chức OPEC+ đã đạt được vào cuối tuần qua.

Dầu Brent giao tháng 9 giảm 1,16% xuống 72,74 USD/thùng. Hợp đồng WTI giao tháng 8 giảm 0,92% xuống 71,15 USD/thùng. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày 20/7.

Theo thỏa thuận vừa mới đạt được vào Chủ nhật, OPEC+ sẽ tăng thêm 400.000 thùng/ngày vào mỗi tháng kể từ tháng 8 năm 2021 trở đi cho đến khi tất cả sản lượng bị cắt giảm do COVID-19 được khôi phục hoàn toàn. Thỏa thuận này cũng cấp cho Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait và Nga mức sản lượng cơ sở cao hơn để tính mức cắt giảm của họ bắt đầu từ tháng 5 năm 2022.

Các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm khi tranh chấp giữa Ả Rập Xê Út và UAE cuối cùng cũng kết thúc. Ngoài ra, những bất đồng khác từ lâu đe dọa đến sự thống nhất của tổ chức này cũng đã được giải quyết.

RBC Capital Markets cho biết: “Thỏa thuận này sẽ mang lại cho giới đầu tư trên thị trường sự thoải mái rằng nhóm sẽ không dẫn đến một cuộc chia tay lộn xộn và sẽ không sớm mở cửa van sản xuất”.

Thị trường cũng tránh được một cuộc chiến giá như đã từng chứng kiến giữa Ả Rập Xê-út và Nga khiến giá xuống mức âm vào tháng 4 năm 2020.

Về nguồn cung, xuất khẩu lô dầu thô đầu tiên của Iran từ bên ngoài Vịnh Ba Tư và ngoài eo biển Hormuz cũng nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư. Vahid Maleki, Giám đốc Jask Oil Terminal, cho biết chuyến hàng này sẽ khở hành từ cảng Jask ở Vịnh Oman.

Trong khi đó, số ca COVID-19 liên quan đến biến thể Delta tiếp tục gia tăng và làm mờ triển vọng nhu cầu nhiên liệu khi một số quốc gia, trong đó có Úc và Hàn Quốc, đã đưa ra các biện pháp hạn chế để kiềm chế đợt bùng phát mới nhất. Vương quốc Anh hôm thứ Bảy đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao nhất kể từ tháng 1 năm 2021 trước thời điểm Anh dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vào ngày 19 tháng 7.

Bản tin dầu thô sáng 19/7/2021

Giá dầu giảm hơn 1% trong ngày thứ Hai, do thỏa thuận đạt được vào cuối tuần qua của nhóm các nhà sản xuất OPEC + để tăng sản lượng sau khi hiệp ước trước đó không thành do các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) phản đối.

Dầu thô Brent giảm 1 USD, tương đương 1,4% xuống 72,59 USD/thùng, sau khi giảm gần 3% vào tuần trước. Dầu WTI của Mỹ giảm 94 cent, tương đương 1,3% xuống 70,87 USD/thùng, sau khi giảm gần 4% trong tuần trước.

Các bộ trưởng trong OPEC + hôm Chủ nhật đã đồng ý tăng nguồn cung dầu từ tháng 8 để giảm kiềm bớt giá dầu hồi đầu tháng này đã leo lên mức cao nhất trong khoảng hai năm rưỡi khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, từ tháng 8 đến tháng 12, OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng tăng thêm 400.000 thùng/ngày.

OPEC+ còn nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng đến cuối năm 2022 thay vì tháng 4/2022 như hiện tại, cho phép liên minh có dư địa để hành động trong trường hợp đà phục hồi kinh tế thế giới chững lại vì các biến thể virus mới.

OPEC+ nhất trí tăng hạn mức cho một số thành viên từ tháng 5/2022, bao gồm UAE, Arab Saudi, Nga, Kuwait và Iran. Tổng điều chỉnh sẽ khiến nguồn cung tăng thêm 1,63 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2022, Reuters ước tính.

Cụ thể, mức sản lượng cơ sở của UAE điều chỉnh từ 3,168 triệu thùng/ngày lên 3,5 triệu thùng/ngày. Mức sản lượng cơ sở Arab Saudi, Nga từ 11 triệu thùng/ngày lên 11,5 triệu thùng/ngày còn của Iraq và Kuwait đều tăng thêm 150.000 thùng/ngày.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman Al-Saud cho biết thêm có thể điều chỉnh hạn mức của Nigeria và Algeria.

"Chúng tôi thấy hài lòng với thỏa thuận", Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail bin Mohammed al-Mazroui phát biểu trước báo giới. Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi từ chối trả lời câu hỏi về việc các bên thỏa hiệp với nhau thế nào.

RBC Capital Markets cho biết: “Thỏa thuận này sẽ mang lại cho sự thoải mái cho giới đầu tư trên thị trường rằng nhóm sẽ không dẫn đến một cuộc chia tay lộn xộn nào và sẽ không sớm mở van sản xuất”.

Năm ngoái, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 10 triệu thùng/ngày trong bối cảnh nhu cầu bốc hơi bởi đại dịch bùng phát, khiến giá dầu Mỹ sụt giảm, và có thời điểm xuống mức âm.

Sau đó OPEC+ đã dần dần đưa nguồn cung trở lại thị trường, với mức cắt giảm khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 5 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu và khí lên 484, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 2 lên 380, số giàn khoan khí tăng 3 lên 104, số giàn khoan dự phòng là 0.