Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 22/10/2021

 

Bản tin dầu thô chiều 22/10/2021

Dầu giảm vào sáng thứ Sáu trong phiên châu Á khi nguồn cung của Mỹ tiếp tục thắt chặt. Vàng đen dự kiến sẽ có một kết thúc ổn định trong tuần, khi giá than và khí đốt có phần hạ nhiệt làm hạn chế việc chuyển đổi nhiên liệu vốn đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dầu.

Giá dầu Brent giao sau giảm 0,53% xuống 84,16 USD/thùng và dầu WTI tương lai giảm 0,44% xuống 82,14 USD/thùng.

Thị trường đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào đầu tuần do lo ngại về tình trạng thiếu than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu khiến các nhà máy phát điện chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu nhiên liệu.

Các chiến lược gia về hàng hóa tại ING cho biết trong một lưu ý: “Giá khí đốt tự nhiên và than thấp hơn sẽ lấy đi một số sự hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ”.

Trong khi đó, dữ liệu hôm thứ Tư từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy các kho dự trữ dầu thô tại Cushing giảm xuống 31,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2018. Dầu thô Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,5% trong tuần này, ở không xa so với mức cao bảy năm đạt được vào đầu tuần.

“Tuy nhiên, rõ ràng là có những lo ngại về tình trạng kho dự trữ cạn kiệt tại trung tâm giao hợp đồng WTI, Cushing,” ghi chú của ING cho biết.

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Royal Bank of Canada (RBC), thị trường đã mất bớt động lực khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung của họ ra khỏi giá dầu thô front-month (giao tháng 12) đang tăng vọt.

Nhà phân tích Michael Tran của RBC cho biết trong một ghi chú: “Một số nhà đầu tư cũng đang cắt giảm rủi ro trên nhiều nguồn năng lượng khác nhau, với lý do là sự hưng phấn trong cuộc khủng hoảng năng lượng đã lên đến đỉnh điểm”.

Bản tin dầu thô sáng ngày 22/10/2021

Thị trường dầu thô đã chốt phiên với mức giảm lớn nhất trong hai tuần vào thứ Năm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết OPEC+ bao gồm Moscow có thể bán ra nhiều thùng hơn mức họ đã công bố.

Giá dầu cũng giảm do Trung Quốc, Ấn Độ và những người tiêu dùng khác chống lại giá năng lượng cao mà họ cho rằng có thể hủy hoại nền kinh tế của họ với lạm phát tăng cao.

Thêm vào áp lực lên thị trường năng lượng là kỳ vọng rằng phần lớn nước Mỹ sẽ có một mùa đông ấm hơn mức trung bình, sau khi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia hạ cấp điều kiện lạnh giá. Giá khí đốt tự nhiên giảm gần 1% trong ngày sau khi mức dự trữ hàng tuần tăng hơn một chút so với dự kiến, một dấu hiệu khác cho thấy thời tiết ấm hơn và nhu cầu sưởi ấm ít hơn vào mùa thu này.

Trong trường hợp của Putin, ông đã khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố rằng OPEC+ đang tăng sản lượng dầu “nhiều hơn một chút so với thỏa thuận”. Điều đó trái ngược với điều mà hầu hết trong liên minh sản xuất dầu 23 quốc gia, dẫn đầu là Ả Rập Xê-út, đã nói.

Tại cuộc họp vào đầu tháng 10, OPEC+ cho biết họ sẽ không tăng thêm hơn 400.000 thùng/ngày mà họ đã cam kết trước đó, bất chấp sự siết chặt nguồn cung toàn cầu đã đẩy giá lên mức cao nhất trong 7 năm.

“Không phải tất cả các quốc gia đều có thể tăng đáng kể sản lượng dầu”, ông Putin nói, ngụ ý rằng Nga có thể là ngoại lệ. Bên cạnh ông, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cũng nói rằng Baghdad có khả năng bơm nhiều hơn.

Thỏa thuận OPEC+, bắt đầu từ năm 2015, đã hoạt động phần lớn nhờ sự hợp tác giữa Nga và Ả Rập Xê-út - những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, ngoài Mỹ, quốc gia đã mất thứ hạng số một kể từ khi đại dịch coronavirus bùng phát vào tháng 3/2020.

Tuy nhiên, hiệp ước Moscow-Riyadh không phải là không có vấn đề. Sự bất đồng giữa hai bên về sản lượng đã dẫn đến sự sụp đổ ngắn ngủi trong trật tự làm việc của OPEC+ trước đại dịch, làm bùng phát nguồn cung thừa toàn cầu khiến giá dầu thô của Mỹ lần đầu tiên rơi vào vùng âm.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chuẩn West Texas Intermediate của Mỹ giảm 92 cent, tương đương 1,1%, ở mức 82,50 USD/thùng - mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 6 tháng 10. WTI đã giảm xuống mức thấp nhất là 80,81 USD trước đó. Phiên thứ Tư, WTI đạt mức cao nhất là 84,25, đánh dấu mức cao nhất trong bảy năm.

Dầu thô Brent giao dịch tại London, chuẩn toàn cầu, giảm 1,21 USD, tương đương 1,4%, ở mức 84,61 USD/thùng. Brent đạt mức cao nhất trong ba năm là 86,09 vào thứ Ba.

Bên cạnh dầu thô, thị trường than sụt giảm ở châu Á cũng gây áp lực lên giá trên toàn ngành năng lượng vào thứ Năm.

Hợp đồng than nhiệt tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã chốt ở mức dưới 1.588 NDT từ mức cao kỷ lục 1.982 NDT hôm thứ Ba sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ "nghiên cứu các biện pháp cụ thể" để đẩy giá than nội địa xuống.

Hôm thứ Năm, Ấn Độ, nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, cho biết họ mong muốn các nhà sản xuất dầu xem xét cung cấp dầu thô theo các hợp đồng dài hạn ở mức giá cố định để giúp người tiêu dùng tránh khỏi biến động giá.