Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin vắn ngày 24/03/2017


Bản tin sáng 24/3/17
Dầu tăng nhẹ khi Saudi giảm xuất khẩu tới Mỹ, nhưng vẫn còn thừa cung toàn cầu
Giá dầu nhích nhẹ lên trong phiên thứ Sáu, được hỗ trợ bởi sự sụt giảm trong xuất khẩu của Saudi tới Mỹ, nhưng thị trường nhìn chung vẫn còn chịu sức ép do thừa cung toàn cầu.Tâm lý thị trường đang tỏ ra thận trọng trước cuộc họp vào cuối tuần này giữa OPEC và các nước phi thành viên để rà soát việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, ngoài ra cũng đang chờ đợi số liệu giàn khoan của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày hôm nay.
Giá dầu thô Brent giao tháng 5 đang giao dịch ở mức 50,66 USD/thùng vào lúc 7 giờ sáng nay, tăng 10 cent so với giá chôt phiên thứ Năm. Tại Mỹ, dầu thô WTI tăng 12 cent lên 47,82 USD/thùng.
Các nhà đầu tư cho biết giá dầu tăng nhẹ khi báo cáo cho thấy xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia tới Mỹ trong tháng 3 sẽ giảm khoảng 300.000 thùng/ngày so với tháng Hai, phù hợp với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.
Mỹ đã nhập khẩu khoảng 1,3 triệu thùng dầu của Saudi trong tháng hai, theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ.
Tại Mỹ, các nhà cung cấp dầu mỏ ở nước ngoài như Ả Saudi Arabia phải cạnh tranh với dầu đá phiến, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng hơn 8% kể từ giữa năm 2016 lên hơn 9,1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, đối với các khu vực tiêu thụ chủ yếu khác, xuất khẩu của Saudi vẫn cao bất chấp nỗ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và các nhà sản xuất khác trong đó có Nga, để cắt giảm gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay để kiềm chế dư cung toàn cầu.
Số liệu tại Thomson Reuters Eikon cho thấy các chuyến hàng của OPEC đến châu Á, khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và là khu vực có tiêu thụ dầu tăng trưởng nhanh nhất, đạt 17,6 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tăng hơn 5% kể từ tháng 1, khi việc cắt giảm chính thức bắt đầu, một tín hiệu cho thấy OPEC đang bảo vệ các khách hàng lớn của mình không bị ảnh hưởng bởi việc giảm cung.
Nếu OPEC không gia hạn thỏa thuận qua tháng 6 hoặc không cắt giảm nguồn cung lớn hơn, các nhà kinh doanh cho biết giá dầu có nguy cơ giảm thêm nữa.
Ngân hàng ANZ cho biết hôm thứ Sáu rằng thị trường đang háo hức chờ xem tiến triển trong việc cắt giảm sản xuất để giảm bớt lượng hàng tồn kho vẫn đang tăng cao.

Xangdau.net dự báo giá dầu tuần sau sẽ dao động trong khoảng 47-48 USD/thùng.

Bản tin tối 23/3/17
Giá dầu giảm hôm thứ Năm, chật vật phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tháng vì các nhà đầu tư lo ngại rằng cắt giảm nguồn cung của OPEC vẫn chưa đủ để bù lại tồn kho cao của Mỹ.
Hợp đồng dầu Brent giảm 11 cent xuống 50,53 USD một thùng. Mức này vẫn cao hơn mức 49,71 USD hôm thứ Tư, thấp nhất kể từ ngày 30/11 khi OPEC thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 chốt phiên giảm 34 cent xuống mức 47,70 USD một thùng, sau nguy cơ giảm xuống dưới mức 47 USD hôm thứ Tư.
Tuy OPEC phần lớn đạt được những cam kết cắt giảm sản lượng, nhưng các nước sản xuất dầu mỏ không phải OPEC vẫn chưa thực hiện đầy đủ các cam kết. Trong khi đó các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đang tăng cường khai thác sau khi giá dầu đã hồi phục từ dưới 30 USD.
Thị trường có thể chịu nhiều áp lực hơn vì số lượng giàn khoan của Mỹ tiếp tục tăng, cho thấy tăng trưởng sản lượng đang vượt xa nhu cầu.
Các Bộ trưởng dầu mỏ từ OPEC và một số nước không thuộc OPEC sẽ họp tại Kuwait vào Chủ nhật, dự kiến sẽ thảo luận về việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm.
Dự trữ toàn cầu tăng ngay cả khi trong các đợt cắt giảm do OPEC dẫn đầu. Hôm thứ Tư, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy lượng hàng tồn kho của nước này tăng vọt hơn 5 triệu thùng so với dự kiến lên mức 533,1 triệu thùng.
Sản lượng dầu của Mỹ tăng trên 8% kể từ giữa năm 2016 lên hơn 9,13 triệu thùng mỗi ngày - mức tương đương vào cuối năm 2014, khi thị trường dầu bắt đầu sụt giảm.
Greg McKenna, chiến lược gia thị trường của AxiTrader, cho biết nguy cơ giá dầu tiếp tục giảm do sản lượng của Mỹ tăng và thiếu sự tuân thủ của một số nhà sản xuất dù từng đồng ý cắt giảm sản lượng.
Ngân hàng Barclays ở London đưa ra đánh giá lạc quan hơn, cho biết mức sụt giảm giá dầu mới nhất sẽ không kéo dài trong quý II. Ngân hàng này dự báo một sự phục hồi khiêm tốn.
Theo báo cáo, dự trữ của các nước công nghiệp hóa sẽ giảm vào cuối quý II, hạ xuống mức mục tiêu của OPEC là trung bình 5 năm.
Nhưng cũng có những dấu hiệu của một thị trường thừa cung ở châu Á. Nhập khẩu xăng dầu của Trung Quốc sụt giảm trong khi các công ty lọc dầu nước này xuất khẩu với số lượng lớn ra nước ngoài vì lượng nhiên liệu tinh chế nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Xangdau.net dự báo giá dầu tuần sau sẽ dao động trong khoảng 47-48 USD/thùng.