Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 02/2024

Giá dầu thế giới quay đầu giảm bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông.

Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch với mức lao dốc sâu, hơn 3%, chịu tác động mạnh bởi quyết định hạ giá bán dầu thô Arab Light sang thị trường châu Á cho tháng 2 tới 2 USD của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia, và sản lượng của OPEC tăng trong tháng 12/2023. Theo đó, giá dầu Arab Light chỉ còn 1,5 USD/thùng - mức thấp nhất trong 27 tháng.

Tình hình xung đột ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống cùng với việc đóng cửa mỏ dầu Sharara của Libya có công suất 300.000 thùng/ngày khiến nguồn cung gián đoạn là những yếu tố hỗ trợ dầu Brent và WTI tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần.

Theo Reuters, quân đội Israel cho biết cuộc chiến chống lại Hamas sẽ tiếp tục trong năm nay làm gia tăng lo ngại xung đột Israel - Hamas có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị ngắt quãng bởi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vọt bất ngờ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tại thị trường dầu mỏ lớn nhất.

Kết thúc phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu giảm gần 1 USD sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 05/01 bất ngờ tăng 1,3 triệu thùng lên 432,4 triệu thùng, trái ngược so với kỳ vọng giảm 700.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Cũng theo EIA, tồn kho xăng tăng 8 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 6,5 triệu thùng.

Thông tin Iran bắt giữ tàu chở dầu St. Nikolas treo cờ của Quần đảo Marshall ngoài khơi bờ biển Oman đã khiến giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch thứ tư của tuần. Giá dầu đã mất dần mức tăng mạnh đầu phiên sau dữ liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 3,2% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự kiến. Lạm phát tăng cao hơn dự kiến làm giảm kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.

Giá dầu đã tăng, giảm đan xen tại 4 phiên giao dịch của tuần. Đến phiên giao dịch thứ 5, giá dầu đã bỏ qua quỹ đạo này và duy trì đà tăng của phiên giao dịch thứ tư.

Bất chấp mức tăng 1% do tác động của việc ngày càng nhiều tàu chở dầu chuyển hướng khỏi Biển Đỏ sau các cuộc tấn công trên không và trên biển qua đêm của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi, giá dầu tuần qua đã đánh dấu một tuần giảm với dầu Brent giảm 0,5% xuống mức 78,29 USD/thùng và dầu WTI giảm 1,1% xuống mức 72,68 USD/thùng.

Các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành lưu ý, mặc dù việc các tàu chuyển hướng di chuyển dự kiến sẽ đẩy chi phí và thời gian vận chuyển dầu lên cao nhưng nguồn cung vẫn chưa bị ảnh hưởng. Vì vậy, mức tăng của giá dầu cũng không quá mạnh.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,5% và dầu WTI giảm 1,1%. Điểm đáng chú ý trong tuần trước là giá dầu Brent đã có thời điểm bật tăng vượt mốc 80 USD/thùng và dầu WTI có thời điểm chạm 75,25 USD/thùng - mức cao nhất được ghi nhận từ đầu năm đến nay.

Cũng hỗ trợ giá dầu, Trung Quốc đã mua lượng dầu thô kỷ lục vào năm 2023 khi nhu cầu phục hồi sau đợt sụt giảm do đại dịch gây ra, bất chấp những khó khăn kinh tế ở quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Về phía nguồn cung, công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ - chỉ số sản lượng tương lai đã giảm 2 giàn xuống 499 trong tuần trước.