Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 16/2023

Mặc dù đảo chiều tăng vào phiên cuối tuần, song xu hướng đi xuống trong phần lớn các phiên giao dịch của tuần qua đã khiến giá dầu thế giới chứng kiến tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp do bất ổn về lãi suất và nhu cầu.

Giá dầu Brent giao tháng 6 chốt phiên tăng 56 cent, tương đương 0,69%, lên mức 81,66 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 50 cent, tương đương 0,65%, lên mức 77,87 USD/thùng.

Với mức tăng khiêm tốn ở phiên cuối của tuần và một số phiên giảm mạnh, giá dầu Brent tuần này đã giảm 5,4%, trong khi WTI giảm 5,6%.

Cả hai mặt hàng dầu thô chuẩn đều giảm hơn 2% ở phiên giao dịch thứ năm xuống mức thấp nhất kể từ thông báo bất ngờ hồi đầu tháng về việc cắt giảm sản lượng của một số nước OPEC+. Nguyên nhân là do lo ngại suy thoái kinh tế và dự trữ xăng của Mỹ tăng. Báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API), với mức giảm khoảng 2,68 triệu thùng.

Đến thứ Sáu, giá dầu đã được hỗ trợ tăng sau dữ liệu khảo sát từ khu vực đồng euro và Anh. Các cuộc khảo sát, theo Reuters, cho thấy sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro đã bất ngờ tăng tốc trong tháng này khi ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối chứng kiến nhu cầu vốn tăng cao, bù đắp cho sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất.

Một cuộc khảo sát ngành cũng cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp Anh đang hồi phục và lạm phát chi phí đầu vào chậm nhất trong hơn hai năm.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, hoạt động sản xuất của các nhà máy lọc dầu đã đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 3, đáp ứng nhu cầu theo mùa ổn định tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.

Triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn cũng hỗ trợ giá dầu. Các nhà phân tích kỳ vọng tồn kho sẽ giảm từ tháng tới do các mục tiêu sản lượng của OPEC thấp hơn và nhu cầu của Trung Quốc tăng.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về kinh tế và triển vọng tăng lãi suất tiếp tục đeo bám thị trường dầu mỏ.

Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, nhận xét sự không chắc chắn về nhu cầu, đặc biệt là trong mùa lái xe mùa hè sắp tới, tiếp tục đè nặng lên tâm trí của các trader.

Theo Lipow, “thị trường vẫn chịu áp lực với những lo ngại về nhu cầu”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu khả năng cao sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng 5. Sức mua yếu dần bởi thị trường lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 tới để kiềm chế lạm phát. Việc này có thể làm giảm hy vọng phục hồi kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tiêu thụ dầu.

Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng. Điều này cho thấy thị trường lao động đang chậm lại sau một năm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu.

Do đó, các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục biến động do lo ngại về khả năng tăng lãi suất của Fed cũng như triển vọng bấp bênh của kinh tế toàn cầu.

ĐỌC THÊM