Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 18/2023

Giá dầu thế giới giảm tuần thứ ba liên tiếp trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và do lo ngại khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, khiến nhu cầu nhiên liệu giảm.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới giảm ngay trước ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp để quyết định về mức tăng lãi suất lần cuối. Từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 475 điểm cơ bản từ mức gần bằng 0 lên mức 4,75% - 5% hiện tại.

Giá dầu tiếp tục lao dốc trong 3 phiên tiếp theo bất chấp các yếu tố hỗ trợ tăng từ việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ có hiệu lực từ tháng này.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2023 nhờ tiêu dùng dịch vụ mạnh mẽ, nhưng sản lượng của nhà máy đã bị tụt lại trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu. Giá cả chậm lại và tiết kiệm ngân hàng tăng cao đang làm dấy lên nghi ngờ về nhu cầu.

Trong khi đó, cơ hội việc làm của Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 3 và tỉ lệ sa thải tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm. Điều này cho thấy sự suy yếu trong thị trường lao động có thể hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 4 là 3,4%, thấp hơn ước tính 3,6% của các nhà phân tích và là mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25%. Điều này gây áp lực lên giá dầu khi các nhà giao dịch lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Đến thứ Sáu, giá dầu diễn biến trái chiều sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giảm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh cơ quan này nỗ lực chống lạm phát ở khu vực đồng euro.

Mức tăng 0,25% phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích và bằng với mức tăng lãi suất của Fed trước đó một ngày.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5, giá dầu Brent giao tháng 7 đóng cửa tăng 2,8 USD, tương đương 3,9%, lên mức 75,3 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 2,78 USD, tương đương 4,1%, lên mức 71,34 USD/thùng sau bốn ngày giảm sốc khiến hợp đồng chạm mức thấp nhất được nhìn thấy lần cuối vào cuối năm 2021.

Giá dầu chuẩn Brent đã kết thúc tuần với mức giảm khoảng 5,3%, trong khi dầu WTI giảm tới 7,1% dù đã cố gắng “bứt tốc” ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Với mức giảm này, cả hai chuẩn dầu đều đã ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022.

Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial nhận xét: “Dầu thô đang cố gắng đảo ngược tình trạng mất giá gần đây do lãi suất cao hơn và lo ngại suy thoái kinh tế chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng”.

Một số nhà phân tích cho biết, hiện các nguyên tắc cơ bản trên thị trường giao ngay đang mạnh hơn so với thị trường tương lai.

ĐỌC THÊM