Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 18/2025

Giá dầu thế giới kéo dài đà giảm với mức giảm gấp 4 lần so với tuần trước đó bởi lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tăng mạnh.

Lo ngại về kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây áp lực lên nhu cầu, đẩy giá dầu giảm hơn 1% trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần.

Giá dầu tiếp tục lao xuống mức thấp nhất trong 2 tuần tại phiên giao dịch thứ hai của tuần khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc OPEC+ tăng sản lượng và lo ngại mức thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và làm chậm nhu cầu về nhiên liệu. Trong phiên này, giá dầu giảm hơn 2%.

Giá dầu kéo dài chuỗi giảm ở phiên giao dịch thứ ba của tuần với dầu Brent mất gần 3%, trong khi dầu WTI giảm tới 3,66%. Theo Reuters, tháng 4 chứng kiến mức giảm phần trăm theo tháng lớn nhất của dầu Brent và WTI trong vòng 3 năm rưỡi với mức giảm lần lượt là 15% và 18%.

Tác nhân chính khiến giá dầu lao dốc mạnh trong phiên giao dịch thứ ba của tuần là tín hiệu từ Saudi Arabia, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cho thấy Riyadh sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng và sẵn sàng ứng phó với thời gian giá dầu thấp kéo dài sau 5 năm OPEC+ “thắt lưng buộc bụng”.

Tin tức Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp dụng lệnh trừng phạt thứ cấp đối với việc mua dầu của Iran sau khi vòng đàm phán thứ tư giữa Mỹ và Iran bị hoãn lại đã hỗ trợ cho giá khiến giá dầu bất ngờ quay đầu tăng gần 2% ở phiên giao dịch thứ tư của tuần. Ông Trump đã tuyên bố rằng mọi hoạt động mua dầu mỏ hoặc sản phẩm hóa dầu của Iran phải dừng lại và bất kỳ quốc gia hoặc cá nhân nào mua bất kỳ sản phẩm nào từ Iran sẽ ngay lập tức phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp. Tồn kho dầu của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 25/4 cũng hỗ trợ giá dầu phục hồi.

Sắc xanh của giá dầu đã nhanh chóng bị thay thế bởi sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Trong phiên này, giá dầu giảm hơn 1% khi các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của OPEC+ diễn ra ngày 3/5 thay vì 5/5 như dự kiến ban đầu để quyết định chính sách sản lượng của nhóm cho tháng 6.

Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần là thị trường chứng khoán ghi nhận sắc xanh sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy trong tháng 4, thị trường lao động Mỹ vẫn kiên cường trước biến động thuế quan. Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 177.000 việc làm vào tháng 4, cao hơn so với dự báo tăng 130.000 việc làm của các nhà kinh tế.

Dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy, trong tuần trước, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 4 xuống còn 479 giàn khoan, mức giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần qua.

Với 4 phiên giảm và 1 phiên bật tăng, giá dầu đã ghi nhận thêm một tuần giảm. Dầu Brent kết thúc tuần ở mức 61,29 USD/thùng, giảm hơn 8%, trong khi dầu WTI đóng cửa ở mức 58,29 USD/thùng, mất khoảng 7,7%.

Tại cuộc họp trực tuyến vào thứ Bảy, các nhà sản xuất chính do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu đã đồng ý tăng sản lượng chung thêm 411.000 thùng mỗi ngày, gần gấp ba lần so với khối lượng ban đầu đã lên kế hoạch. Động thái này diễn ra sau một đợt tăng tương tự được công bố vào tháng 5 và báo hiệu sự đảo ngược mạnh mẽ so với các nỗ lực của OPEC+ nhằm bảo vệ giá dầu. Như vậy, nhóm này đã đưa ra thông điệp rõ ràng: OPEC+ không còn bảo vệ giá cao nữa và thị trường dầu mỏ nên chuẩn bị cho nhiều sự biến động hơn nữa trong tương lai.