Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 20/2022

Giá dầu đã có thêm một tuần tăng giá do tâm lý lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh Mỹ bắt đầu vào mùa hè, mùa cao điểm đi lại tại quốc gia này.

Giá dầu tăng một phần do nhu cầu xăng tăng, trong khi dự trữ xăng tại Mỹ thấp. Các nhà đầu tư tin rằng nguồn cung sẽ tiếp tục trong tình trạng eo hẹp khi nước Mỹ chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Ngày lễ Tưởng niệm (Memorial Day) diễn ra từ ngày 30/5, thời điểm khởi đầu cho mùa hè lái xe nhộn nhịp tại Mỹ. Giá xăng, dầu của Mỹ liên tục lập đỉnh trong khoảng thời gian gần đây, tuy nhiên, điều đó không cản bước người dân Mỹ ra ngoài.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 482.000 thùng trong tuần trước xuống còn 219,7 triệu thùng. Dữ liệu cũng cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh do quốc gia này tăng cường xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường quốc tế, qua đó phản ánh tình trạng thiếu hụt cung dầu trên quy mô toàn cầu.

Chính quyền tổng thống Joe Biden thúc giục các doanh nghiệp lọc dầu tái khởi động lại các nhà máy đang dừng hoạt động, gia tăng công suất, nhằm hạ nhiệt giá xăng, dầu trong nước. Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã hoạt động với gần 100% công suất trong suốt thời gian qua.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang trong quá trình đàm phán với Hungary nhằm thuyết phục quốc gia này đồng ý với bản dự thảo cấm dầu nhập khẩu từ Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông tự tin khối này sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước khi các lãnh đạo EU nhóm họp vào hai ngày 30-31/5 tới.

Trong khi đó, thông tin về việc Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC+) từ chối lời kêu gọi tăng nhanh sản lượng tại cuộc họp sắp tới diễn ra vào ngày 2/6 để hạ nhiệt giá dầu của phương Tây cũng góp phần làm thị trường dầu đi lên. Nhiều người dự báo sẽ không có những thay đổi đột phá trong kế hoạch sản lượng của khối. Theo đó, nhóm vẫn sẽ bám sát kế hoạch trước đó và gia tăng sản lượng trong tháng 7 thêm 432.000 thùng/ngày.

Trong phiên ngày giao dịch 27/5, giá dầu Brent tăng 2,03 USD, tương đương 1,7%, lên ngưỡng 119,43 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,98 USD, tương đương 0,9% lên 115,07 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 6%, giá dầu WTI tăng 1,5%.

Yếu tố kìm hãm giá dầu chính là tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, nền kinh tế số 2 đồng thời là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trung Quốc vẫn đang quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid khiến cho nhu cầu dầu phục vụ sản xuất giảm xuống. Tuy nhiên, nhu cầu dầu tại Trung Quốc chỉ là trở ngại trong ngắn hạn, trong khi các vấn đề liên quan tới nguồn cung có thể sẽ kéo dài.

Thượng Hải và Bắc Kinh đang nới lỏng dần các biện pháp phòng dịch Covid-19, do đó, triển vọng thị trường dầu mỏ là tương đối tích cực. Anh đã công bố một gói cứu trợ đối với nền kinh tế, và Trung Quốc cũng đã làm điều tương tự. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng chậm lại trong khoảng thời gian gần đây, buộc quốc gia này phải sớm hành động. Nhưng với nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang mở cửa trở lại, nhu cầu dầu mỏ có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Với triển vọng khả quan, giá dầu hoàn toàn có thể kiểm chứng lại ngưỡng đỉnh hồi tháng 3 trong thời gian tới. Theo giới phân tích, sau khi giá dầu Brent vượt ngưỡng quan trọng 116 USD/thùng, mức kháng cự tiếp theo có thể là 120 USD/thùng. Việc giá dầu Brent tăng mạnh cũng có khả năng kéo giá dầu WTI lên vùng 115 - 116 USD/thùng.

ĐỌC THÊM