Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 20/2024

Sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng trở lại khi các chỉ số kinh tế từ hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ được củng cố, từ đó tăng kỳ vọng về nhu cầu dầu cao hơn.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng chưa đến 1 USD. Sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện ở hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng cao hơn dự kiến làm dấy lên lo ngại Fed có thể tăng chi phí vay để kiềm chế lạm phát đã đẩy giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch thứ hai của tuần. Chính những rủi ro tiềm ẩn đối với nguồn cung từ căng thẳng ở Trung Đông và cháy rừng ở Canada đã hạn chế đà giảm trong phiên. Theo đó, ở phiên giao dịch này, giá dầu chỉ trượt dốc hơn 1%.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/5 giảm 2,5 triệu thùng, gấp 5 lần so với dự báo giảm 500.000 thùng của các nhà phân tích và thấp hơn so với mức báo cáo giảm 3,104 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ. Tồn kho dầu của Mỹ giảm là nhân tố chính thúc đẩy giá dầu tăng gần 1% trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần.

Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên này là việc hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của IEA. Theo IEA, nhu cầu dầu năm nay tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 140.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Còn OPEC giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng nhu cầu thế giới tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng 1,85 triệu thùng/ngày cho năm 2025.

Giá dầu tiếp tục tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Trong phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu tăng nhẹ. Sau đó, giá dầu ghi nhận mức tăng khoảng 1% ở phiên giao dịch thứ 5 của tuần.

Giá dầu liên tục leo dốc sau dữ liệu cho thấy thị trường việc làm ở Mỹ ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ có xu hướng giảm làm tăng kỳ vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, giá dầu tuần trước đã ghi nhận tuần tăng giá. Dầu Brent tăng hơn 1 USD, chốt ở mức 83,98 USD/thùng. Trong khi dầu WTI tăng hơn 2%, lên mức 80,06 USD/thùng.

Mọi sự chú ý đều đang hướng vào cuộc họp về sản lượng sắp tới của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6. Các nhà phân tích nhận xét, với giá dầu Brent dao động dưới mốc 90 USD/thùng - mức giá mà cả Ả Rập Xê Út và nhiều nước khác âm thầm nhắm đến - cuộc họp của OPEC+ sắp tới có thể sẽ tiếp tục gia hạn việc cắt giảm sản lượng như lâu nay. Từ cuối năm 2022, OPEC+ đã nâng tổng mức cắt giảm lên khoảng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 6% nhu cầu hằng ngày của thế giới.

Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hàng hóa Mỹ (CFTC) cho biết các nhà quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ròng dầu thô tương lai và quyền chọn mua ròng của Mỹ trong tuần tính tới ngày 14/5, một dấu hiệu cho thấy đà tăng giá sẽ được duy trì.