Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 21/2023

Giá dầu có tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh đàm phán trần nợ của Mỹ và lo ngại về nguồn cung là yếu tố tác động chính.

Giá dầu đã liên tục biến động tăng, giảm theo khả năng đạt được thỏa thuận trần nợ của Mỹ trước hạn vỡ nợ 5/6.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng gần 50 cent sau cảnh báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về tình trạng thiếu dầu sắp xảy ra trong nửa cuối năm nay khi cầu dự kiến vượt cung gần 2 triệu thùng/ngày. Nhưng giá dầu đã không thể tăng cao bởi sự mạnh lên của đồng USD và thị trường chờ đợi tin tức về các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ.

Đà tăng của giá dầu kéo dài sang hai phiên tiếp theo, hơn 3%, sau số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ xăng, dầu của Mỹ giảm mạnh hơn 6 triệu thùng ngay trước thềm Ngày lễ Tưởng niệm vốn thường đánh dấu bắt đầu mùa du lịch cao điểm hè của Mỹ. Giá dầu tiếp tục leo dốc khi thị trường tiếp nhận thông tin về mức giảm dự trữ dầu sốc của Mỹ theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tới 12,5 triệu thùng xuống còn 455,2 triệu thùng. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu tiến triển nào trong đàm phán trần nợ của Mỹ.

Đáng chú ý là, giá dầu đã chịu tác động mạnh bởi cảnh báo của Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz, dành cho những người bán khống - những người đặt cược rằng giá sẽ giảm - "hãy coi chừng" thiệt hại. Theo nhà phân tích Craig Erlam của OANDA, lời cảnh báo này có thể được hiểu là OPEC+ sẽ xem xét cắt giảm sản lượng hơn nữa tại cuộc họp ngày 4/6.

Tuy nhiên, ngay sau đó, " Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng “OPEC+ sẽ không có bất kỳ bước đi mới nào”. Việc ông Novak hạ thấp triển vọng cắt giảm sản lượng tiếp theo của OPEC+ như một cú đánh mạnh khiến giá dầu bất ngờ đảo ngược đà tăng, giảm tới hơn 3 USD trong phiên giao dịch thứ tư của tuần, trước khi chốt phiên ở mức giảm hơn 2 USD.

Chỉ một tuần trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng dầu là cần thiết để duy trì một mức giá nhất định.

Đà lao dốc của giá dầu đã được hạn chế bởi sự lạc quan về thỏa thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ.

Đàm phán trần nợ của Mỹ có thể kéo dài cùng các thông điệp trái chiều về nguồn cung từ Nga và Saudi Arabia trước cuộc họp chính sách của OPEC+ đã kéo giá dầu trở lại đà tăng. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng khoảng 1%. Chốt phiên, giá dầu thô WTI ở mức 72,76 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,06 USD, lên mức 77,15 USD/thùng.

Như vậy sau bốn phiên tăng và một phiên giảm, giá dầu tuần này đã tiếp tục tuần tăng thứ hai, với dầu Brent và WTI tăng lần lượt 1,7% và 1,6%.

Trong tuần này, diễn biến về đàm phán trần nợ của Mỹ vẫn tiếp tục là đề tài nổi bật và là yếu tố tác động đến giá dầu. Các chuyên gia dự báo, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng.

ĐỌC THÊM