Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 28/2022

Tuần qua là một tuần giá dầu biến động theo đà suy yếu của đồng bạc xanh, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng 0,75% lãi suất vào cuối tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất vượt mức dự kiến, sự phục hồi dần sản lượng khai thác dầu ở Libya, và Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh các biện pháp trừng phạt Nga.

Giá “vàng đen” đã bắt đầu tuần trong sắc đỏ nhưng sau đó đã nhanh chóng quay đầu leo dốc tới hơn 5 USD. Sự tăng tốc này của giá dầu, theo các chuyên gia, là do được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng đô la Mỹ và kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát.

Lo lắng về nguồn cung thắt chặt và đồng bạc xanh yếu tiếp tục hỗ trợ giá dầu, khiến giá dầu tiếp tục tăng thêm khoảng 1% trong phiên giao dịch tiếp theo.

Tuy nhiên, sau dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu nhiên liệu của người dân Mỹ bất ngờ sụt giảm, thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm trước, dù đang ở giữa mùa cao điểm lái xe, và việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát, giá dầu bắt đầu lao dốc. Tuy nhiên, mức lỗ của dầu không cao (tối đa 2 USD) bởi đã được hỗ trợ vì lo ngại nguồn cung thiếu hụt.

Giá dầu đã kéo dài đà giảm thêm hơn 3 USD trong phiên giao dịch ngày 21/7 khi thị trường tiếp nhận thông tin dự trữ xăng của Mỹ tăng, ECB tăng lãi suất tới 50 điểm cơ bản, nguồn cung dầu đang dần được khôi phục ở Libya cũng như dòng khí đốt đến châu Âu qua đường ống dẫn dầu Nord Stream 1 đã được nối lại.

Vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu thô WTI của Mỹ đã trượt thêm khoảng 1,65 USD nữa, xuống mức 94,70 USD/thùng. Tính trong ba tuần gần nhất, WTI giảm gần 13%. Trong khi đó, chỉ giảm thêm 66 cent không đủ để kéo dầu Brent có tuần giảm và lần đầu tiên trong vòng 6 tuần, dầu Brent đã được trải nghiệm một tuần tăng giá, kết thúc chuỗi tuần giảm liên tiếp kéo giá dầu Brent giảm tới 17%.

Mặc dù nguồn cung đã tăng trở lại, nhưng các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn tại thủ đô của Libya nên không ai biết sự phục hồi sản xuất sẽ kéo dài bao lâu. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ xem xét ước tính sản lượng sơ bộ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tuần này.

Quyết định về lãi suất của Fed tại cuộc họp tuần này cũng sẽ tác động không nhỏ đến tính biến động của giá dầu. Thêm vào đó, nhu cầu giảm ở Mỹ và sự mạnh lên của nhu cầu ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, cũng sẽ là yếu tố gây biến động giá dầu.

ĐỌC THÊM