Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 29/2025

Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận mức giảm khoảng 2% sau hai tuần liên tiếp tăng giá do chịu các tác động trái chiều từ diễn biến kinh tế Mỹ và lo ngại về nguồn cung dầu sau lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu đối với Nga.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu Brent và WTI đều giảm hơn 1 USD/thùng khi các nhà đầu tư cân nhắc những đe dọa mới sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc trừng phạt các nước mua dầu của Nga, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu, cùng với những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí mới cho Ukraine và đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia mua hàng xuất khẩu từ Nga, trừ khi Moscow đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày tới.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn.

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm gần 1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 15/7.

Thị trường đang dồn sự chú ý vào Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó có lo ngại rằng, ông sẽ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng giờ ông đã gia hạn 50 ngày. Nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu trong ngắn hạn đã tạm thời lắng xuống. Đây chính là điểm mấu chốt.

Trong phiên giao dịch ngày 16/7, giá dầu tiếp tục giảm nhẹ khi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất tại Mỹ tăng mạnh, cùng với lo ngại về tác động từ chính sách thuế mới của Washington đã lấn át các dấu hiệu tích cực về nhu cầu dầu trên thế giới.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho xăng tại Mỹ trong tuần trước tăng thêm 3,4 triệu thùng, trái ngược với dự kiến giảm 1 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng 4,2 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 200.000 thùng. Tuy nhiên, tồn kho dầu thô giảm 3,9 triệu thùng, xuống còn 422,2 triệu thùng, nhiều hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 552.000 thùng.

Trong khi đó, giới đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, dù sau đó ông Trump đã phủ nhận thông tin này. Lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu năng lượng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, giá dầu tăng khoảng 1 USD/thùng sau khi các mỏ dầu tại khu vực Kurdistan của Iraq tiếp tục bị tấn công bằng máy bay không người lái ngày thứ tư liên tiếp, cho thấy căng thẳng tại khu vực này vẫn chưa hạ nhiệt. Điều này cho thấy nguồn cung dầu dễ bị ảnh hưởng như thế nào trước các cuộc tấn công sử dụng công nghệ.

Hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd, khiến hàng loạt các dự án phải tạm dừng hoạt động, qua đó kéo giảm hơn một nửa sản lượng dầu hằng ngày tại khu vực này.

Căng thẳng khu vực tiếp tục leo thang khi quan hệ giữa Israel và Syria trở nên căng thẳng.

Thị trường cũng trở nên bất ổn khi chờ đợi các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp áp dụng, một yếu tố có thể làm thay đổi dòng chảy dầu mỏ từ Mỹ sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Giá dầu thô quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi thị trường phản ứng trước loạt thông tin trái chiều về kinh tế và thuế quan tại Mỹ, cùng những lo ngại về nguồn cung dầu sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có các biện pháp nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ và năng lượng của Nga. Điều này khiến thị trường lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung dầu.

Tuy nhiên, thị trường phản ứng khá “nhẹ nhàng” trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU đối với dầu mỏ Nga trong tuần qua. Điều này phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư về việc liệu Tổng thống Donald Trump có thực hiện các lệnh đe dọa hay không, đồng thời nghi ngờ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới từ châu Âu, nhóm chuyên gia tại Capital Economics nhận xét.

Trong khi đó, số giàn khoan dầu khí của Mỹ trong tuần trước đã tăng 7 giàn, nâng tổng số lên 544 giàn.

Chốt tuần dầu thô WTI và Brent lần lượt ở mức 67,34 USD/thùng và 69,28 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu thô WTI giảm 1,6% và Brent mất 1,5 % so với tuần trước.

Diễn biến này phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước dữ liệu tồn kho nhiên liệu tăng mạnh tại Mỹ, cùng với sự thiếu rõ ràng về lộ trình cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Những yếu tố này đã lấn át phần nào tác động từ tình hình địa chính trị và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi.