Tuần qua, giá xăng dầu thế giới ghi nhận tiếp tục giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Giá dầu Brent và WTI trong các phiên giao dịch ngày 21 và 22/7 ghi nhận xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 23/7, giá dầu gần như đi ngang khi thị trường chờ đợi kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU.
Đà giảm được hạn chế nhờ kỳ vọng rằng các thỏa thuận thương mại của Mỹ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu trong tương lai.
Trong phiên giao dịch ngày 24/7, giá dầu bất ngờ tăng khoảng 1%, được hỗ trợ bởi thông tin về lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh cùng kế hoạch cắt giảm xuất khẩu xăng của Nga.
Trước đó, ngày 18/7, Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, được đánh giá là một trong những biện pháp mạnh tay nhất từ trước đến nay, trong đó có việc hạ trần giá mua dầu Nga xuống còn 47,6 USD/thùng và cấm nhập khẩu mọi sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga. Động thái này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu thô từ quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động thực tế của các biện pháp này lên nguồn cung dầu toàn cầu có thể không lớn như kỳ vọng. Ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital (New York), nhận định: “Hiện tại thị trường tin rằng dầu Nga vẫn sẽ tìm được đường ra thị trường, dù có bị hạn chế”. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng tuyên bố, Nga đã đạt được một mức độ “miễn dịch nhất định” trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu thế giới đóng cửa ở mức thấp nhất trong ba tuần trở lại đây. Giá dầu giảm do lo ngại trước những tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cùng với dấu hiệu nguồn cung đang gia tăng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 1%, trong khi giá dầu WTI lao dốc khoảng 3%.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp mức thuế 15-30% đối với hàng hóa châu Âu nếu không đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/8. Động thái này đã khiến thị trường tài chính Mỹ phản ứng tiêu cực, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế - những yếu tố có thể kéo giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến thị trường là sự gia tăng số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ. Trong tuần qua, Mỹ đã bổ sung thêm 7 giàn khoan, nâng tổng số lên 544 giàn - dấu hiệu cho thấy sản lượng có thể tăng trở lại trong thời gian tới, góp phần làm dịu lo ngại về nguồn cung.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn tồn tại những lo ngại nhất định, đặc biệt là về nguồn cung dầu diesel - loại nhiên liệu công nghiệp thiết yếu trong sản xuất, xây dựng và vận tải. Chênh lệch giá giữa dầu diesel và dầu thô đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2024, cho thấy thị trường đang phản ứng với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu diesel từ Nga.
Trong một diễn biến khác, Mỹ đang chuẩn bị cho phép các đối tác của tập đoàn dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA bắt đầu với Chevron, hoạt động có điều kiện tại quốc gia đang bị trừng phạt này. Điều này có thể giúp xuất khẩu dầu của Venezuela tăng hơn 200.000 thùng/ngày, một tin tốt cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ khi thị trường dầu nặng đang khá căng thẳng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cho biết nhóm đang trong quá trình tăng sản lượng trở lại để giành lại thị phần sau nhiều năm cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ thị trường.
Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi sát sao các yếu tố chính trị và kinh tế toàn cầu để đưa ra quyết định phù hợp trong bối cảnh thị trường đầy biến động này.