Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 32/2023

Lo ngại nguồn cung thắt chặt, giá dầu lại tiếp tục leo dốc và có tuần tăng thứ sáu liên tiếp, sau khi hai nhà sản xuất dầu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến tháng 9/2023.

Giá dầu thế giới chạm mức cao mới của ba tháng trong phiên đầu tuần trước (ngày 31/7), đồng thời ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022 nhờ các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt và nhu cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, hoạt động chốt lời đã đẩy giá dầu đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó, bất chấp dự trữ dầu thô của Mỹ giảm kỷ lục 17 triệu thùng trong tuần trước do xuất khẩu và đầu vào dầu thô của các nhà máy lọc dầu tăng mạnh giữa mùa du lịch hè. Thêm vào đó, thông tin tổ chức Fitch hạ mức tín nhiệm của Mỹ đã khiến hoạt động mua dầu của các thương nhân chững lại.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/8, giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng và khép lại 6 tuần đi lên liên tiếp, giữa bối cảnh Saudi Arabia trước đó đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9/2023, để ngỏ khả năng gia hạn thêm một lần nữa. Trong khi đó, Nga cũng quyết định giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày vào tháng Chín tới.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,10 USD (tương đương 1,3%) lên 86,24 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 1,27 USD (tương đương 1,6%) lên 82,82 USD/thùng. Đây là chuỗi tăng giá dài hơi nhất của giá dầu kể từ cuối tháng 2 năm ngoái. Cả 2 hợp đồng dầu đều đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2023.

Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Với việc gia hạn cắt giảm sản lượng, chúng tôi dự báo thị trường sẽ thiếu hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng Chín, sau mức thiếu hụt khoảng 2 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy và tháng Tám”.

Sau cuộc họp hội đồng cấp Bộ trưởng của nhóm OPEC+ vào ngày 4/8, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu có thể tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Cuộc họp trên không mang lại thay đổi nào đối với chính sách sản lượng của OPEC+. Hội đồng lưu ý rằng OPEC+ có thể thực hiện các biện pháp bổ sung bất kỳ lúc nào, điều này có nghĩa là OPEC có thể cắt giảm sản lượng thêm nữa nếu các điều kiện thị trường xấu đi.

UBS dự đoán giá dầu Brent sẽ giao dịch trong khoảng từ 85 đến 90 USD/thùng trong những tháng tới.

Còn theo Bloomberg, nỗi lo về suy thoái kinh tế ở Mỹ đã lắng xuống hỗ trợ cho giá dầu, bất chấp triển vọng tăng lãi suất nhiều hơn từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nếu thị trường lao động vẫn thắt chặt. Dữ liệu mới nhất từ Mỹ cho thấy, trong tháng 7, nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng việc làm vừa phải nhưng mức tăng lương vững chắc và tỉ lệ thất nghiệp giảm cho thấy điều kiện thị trường lao động tiếp tục thắt chặt.

Trong khi đó, cũng trong tháng 7, suy thoái trong hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro trở nên tồi tệ hơn so với suy nghĩ ban đầu và Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản lên mức 5,25% - mức cao nhất trong 15 năm vào ngày 3/8 cũng khiến giới đầu tư thận trọng.

ĐỌC THÊM