Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 35/2023

Giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ hai do sự mạnh lên của đồng USD và sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc.

Bước vào phiên đầu tuần, giá dầu chìm trong sắc đỏ với cả hai chuẩn dầu đều giảm nhẹ do những hy vọng về nhu cầu của Trung Quốc đang ngày càng giảm dần. Hoạt động kinh tế của Trung Quốc gây thất vọng cho thị trường bởi các gói kích thích cam kết đã không đạt được như kỳ vọng, kể cả việc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản thấp hơn dự kiến của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Đà giảm của giá dầu tiếp tục kéo sang phiên thứ 2 và thứ 3 của tuần giao dịch bất chấp tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước tiếp tục giảm thêm 6,1 triệu thùng. Báo cáo tồn kho dầu của Cơ quan thông tin năng lượng thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích (chỉ giảm 2,8 triệu thùng) và so với báo cáo tồn kho của Viện Dầu khí Mỹ (giảm 2,418 triệu thùng). Đáng chú ý là trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu đã có thời điểm giảm mạnh với giá dầu Brent giảm 2,5%, giá dầu WTI giảm sốc hơn, 3,4%

Hạn chế đà giảm của giá dầu là thông tin Saudi Arabia có thể sẽ kéo dài việc cắt giảm dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 10, tháng giảm thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn và khi vương quốc này đặt mục tiêu giảm thêm lượng tồn kho toàn cầu.

Trong tuần, S&P Global cho biết chỉ số PMI tổng hợp nhanh của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống mức 50,4 trong tháng 8 từ mức 52 trong tháng 7, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2022.

Sang phiên giao dịch thứ tư, giá lấy lại sự phục hồi bởi nhân tố tồn kho dầu khí giảm ở châu Âu. Cụ thể, công ty tư vấn Insights Global của Hà Lan đăng dữ liệu cho thấy tồn kho dầu diesel được lưu trữ tại kho lưu trữ độc lập tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) giảm 3% trong tuần gần nhất. Thông tin này giúp giá dầu nhích nhẹ chưa đến 20 cent.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, trong tháng 8, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tháng thứ 9 liên tiếp.

Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ đang soạn thảo một đề xuất nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, cho phép nước này xuất khẩu nhiều dầu hơn nếu Venezuela có thể tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.

Giá dầu đã tăng mạnh hơn, khoảng 1%, ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần do giá dầu diesel của Mỹ tăng vọt, các hoạt động khoan dầu khí bị cắt giảm, và hỏa hoạn bùng phát tại một nhà máy lọc dầu ở Louisiana. Giá dầu thô tăng bất chấp phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức cao. Hạn chế đà tăng của giá dầu là sự gia tăng vượt mốc kháng cự 104 của đồng USD.

Giá dầu đã hồi phục nhẹ ở hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tuy nhiên, sự bứt tốc này chưa đủ mạnh để vực lại giá dầu sau 3 phiên giao dịch lao dốc trước đó.

Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu Brent giảm chưa đến 1% chốt ở mức 84,48 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ cũng giảm khoảng 2%, xuống 79,05 USD/thùng, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp sau chuỗi kỷ lục tăng 7 tuần liên tiếp trong năm.

Mặc dù giá dầu đã giảm tuần thứ hai liên tiếp, nhưng theo các nhà phân tích, trong khi có những dấu hiệu về khả năng tăng trưởng nguồn cung từ một số nhà sản xuất của OPEC, thị trường sẽ tiếp tục giảm lượng tồn kho trong những tháng còn lại của năm và giá dầu vẫn sẽ có xu hướng đi lên trong thời gian tới.

ĐỌC THÊM