Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 40/2023

Sau một tuần giảm nhẹ, giá dầu tuần trước đã leo dốc trở lại mặc dù trong 5 phiên giao dịch, giá dầu chỉ tăng có 2 phiên, giảm 2 phiên và trái chiều 1 phiên.

Giá dầu đã kết thúc phiên giao dịch đầy biến động đầu tiên của tuần trong trạng thái trái chiều với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 35 cent. Trong phiên giao dịch này, giá dầu chịu tác động mạnh bởi hai nhân tố. Một là Moscow dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với nhiên liệu được sử dụng làm nhiên liệu cho một số tàu và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao, nhưng vẫn giữ nguyên lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao. Hai là các nhà đầu tư chú ý đến vấn đề lãi suất tăng cao có thể hạn chế nhu cầu.

Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quan điểm diều hâu làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, từ đó làm giảm nhu cầu dầu. Tuyên bố của Fed đã phá vỡ đà tăng hơn 10% kéo dài ba tuần của dầu thô khi trước đó Ả Rập Xê-út và Nga hạn chế nguồn cung bằng cách kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm.

Sau những giờ biến động ở phiên giao dịch mở tuần và đầu phiên giao dịch thứ hai của tuần xuống mức thấp nhất trong hai tuần, giá dầu đã nhanh chóng lấy lại đà tăng bởi kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt lấn át triển vọng kinh tế không chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu đã tăng gần 1%, lấy lại được khoản đã để mất trước đó. Hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên là sự tăng vọt của đồng USD lên mức cao nhất trong 10 tháng bởi lãi suất trái phiếu cao hơn đã thu hút các nhà đầu tư hướng tới loại tiền tệ này.

Tại phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu đã tăng vọt tới 3% lên mức cao nhất trong năm 2023, sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh làm gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Trong phiên, giá dầu đã chạm mức 97,69 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, dầu WTI chạm mức 95,03 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm 2,2 triệu thùng trong tuần trước đó xuống 416,3 triệu thùng, gấp gần 7 lần so với dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Cũng theo EIA, tồn kho dầu thô tại Cushing, Oklahoma, trung tâm lưu trữ, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 943.000 thùng trong tuần xuống dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.

Các nhà giao dịch chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng và vẫn còn nhiều lo ngại rằng lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu chính là những nhân tố khiến giá dầu trượt dốc khoảng 1% trong phiên giao dịch thứ tư của tuần.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA cho biết: “Dầu đã đến lúc phải điều chỉnh giảm giá và các nhà giao dịch năng lượng đang nhanh chóng chốt lời”.

Đà lao dốc đã kéo dài sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Theo đó, kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent giảm nhẹ 7 cent xuống mức 95,31 USD/thùng, dầu WTI lao dốc gần 1% xuống mức 90,97 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent tháng 12 có tính thanh khoản cao hơn được giao dịch giảm 90 cent, xuống mức 92,2 USD/thùng. Như vậy, Brent đã tăng khoảng 2,2% và tăng 27% trong quý III, WTI tăng 1% trong tuần và tăng khoảng 29% trong quý III.

Mặc dù giảm 2 phiên, trái chiều 1 phiên, nhưng cú đột phá bất ngờ ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần đã giúp giá dầu trong tuần này ghi nhận tuần tăng. Đáng chú ý là trong quý III năm nay, giá dầu đã tăng khoảng 30% do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu. Cũng trong quý này, giá dầu đã xác lập chuỗi tuần tăng giá dài nhất kể từ tháng 2/2022.

ĐỌC THÊM