Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 42/2023

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh, với dầu Brent tăng 7,5%, WTI tăng 5,9%, tuy nhiên vẫn chưa lấy lại được hết những mất mát trong tuần trước đó.

Leo thang xung đột giữa Hamas và Israel, nguy cơ xung đột ở Trung Đông lan rộng, Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với các hãng tàu chở dầu của Nga, dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh, đồng USD tăng-giảm là những yếu tố chính tác động đến giá dầu tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã leo dốc hơn 4% khi các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel - Hamas làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng hơn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Nhưng đến phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu đã giảm nhẹ chưa đến 50 cent bởi lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột Israel - Hamas giảm bớt, mặc dù các nhà giao dịch vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Sau đó, giá dầu đã kéo dài đà giảm thêm hơn 2% vào phiên giao dịch thứ ba của tuần sau khi Saudi Arabia cho biết họ đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế để ngăn chặn sự leo thang và tái khẳng định nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ.

Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 6/10 tăng 10,2 triệu thùng lên 424,2 triệu thùng. Điều này đã đẩy giá dầu WTI giảm ở phiên giao dịch thứ tư. Đây là phiên giao dịch duy nhất trong tuần, giá dầu WTI và Brent kết thúc giao dịch ở mức trái chiều. Ngược với sự sụt giảm của dầu WTI, dầu Brent tăng nhẹ 18 cent.

Ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng xấp xỉ 6% khi các nhà đầu tư tính đến khả năng xung đột ở Trung Đông lan rộng sau các cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza, và Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các hãng tàu chở dầu của Nga có giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng do G7 đề ra.

Như vậy, trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng mạnh 2 phiên, giảm 2 phiên và trái chiều 1 phiên. Mức giảm ở 2 phiên khá khiêm tốn trong khi 2 phiên giá dầu tăng vọt đã khiến giá dầu Brent tuần này ghi nhận mức tăng tới 7,5% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2, và giá dầu WTI tăng 5,9%.

Mặc dù ghi nhận tuần tăng mạnh, nhưng giá dầu vẫn chưa lấy lại hết được những mất mát trong tuần trước đó khi giá dầu Brent giảm gần 11% và WTI giảm hơn 8%.

Cũng trong tuần, dữ liệu ngày 12/10 cho thấy lạm phát ở Mỹ đang chậm lại, khiến kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng việc tăng lãi suất vào tháng tới ngày càng được củng cố.

Trong một dấu hiệu tích cực hơn về nguồn cung, Venezuela và Mỹ đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán có thể đưa ra biện pháp nới lỏng cho các lệnh trừng phạt đối với Caracas bằng cách cho phép thêm ít nhất một công ty dầu mỏ nước ngoài tiếp nhận dầu thô của Venezuela với một số điều kiện. Ngoài ra, các công ty khoan dầu của Mỹ đã bổ sung thêm 4 giàn khoan dầu - mức tăng hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 3.

Trong tuần, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2024, cho thấy điều kiện kinh tế toàn cầu khắc nghiệt hơn và tiến bộ về hiệu quả năng lượng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng. Cơ quan này hiện dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 ở mức 880.000 thùng/ngày, thấp hơn so với dự báo trước đó là 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, IEA đã nâng dự báo nhu cầu năm nay lên 2,3 triệu thùng/ngày từ mức dự báo 2,2 triệu thùng/ngày.

Ngược lại, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu tương đối mạnh cho năm tới, kỳ vọng sẽ đạt 2,25 triệu thùng/ngày.

Các chuyên gia nhận định, cho đến nay cuộc xung đột ở Trung Đông ít ảnh hưởng đến nguồn cung dầu khí toàn cầu và Israel không phải là nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn quan sát xem giá dầu có thể leo thang như thế nào và có ý nghĩa gì đối với nguồn cung từ các quốc gia lân cận trong khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới.

Iran đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel, dẫn đến sự trả đũa quy mô lớn với tư cách là tác nhân quyết định một cuộc chiến ngày càng giống một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Điều quan trọng cần theo dõi là liệu Iran có tham gia tích cực vào cuộc xung đột hay không và lý do là vì Iran nằm gần tuyến đường biển thực sự quan trọng được gọi là Eo biển Hormuz.

ĐỌC THÊM