Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 45/2023

Giá dầu có tuần giảm thứ hai liên tiếp với dầu Brent và WTI đều giảm mạnh hơn 6%, dầu Brent đóng cửa ở mức 84,89 USD/thùng, dầu WTI của Mỹ dừng ở mức 80,51 USD/thùng.

Trong năm phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã giảm tới bốn phiên và chỉ tăng một phiên.

Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã đảo ngược đà tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước đó. Giá dầu đã trượt dốc hơn 3% do bớt lo ngại cuộc xung đột giữa Israel và Hamas sẽ làm gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông và bởi các nhà đầu tư trở nên khá thận trọng trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Khả năng gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột ở Trung Đông không cao tiếp tục đẩy giá dầu giảm nhẹ ở phiên giao dịch thứ hai của tuần. Tại phiên này, giá dầu Brent giảm 4 cent, nhưng giá dầu WTI giảm tới 1,29 USD. Đáng chú ý là trong phiên giao dịch đầy biến động này, giá dầu đã có thời điểm bật tăng hơn 1 USD.

Theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, một phần phí bảo hiểm chiến tranh đã bị loại khỏi giá.

Tại phiên giao dịch thứ ba của tuần, đồng USD tăng giá sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tương lai do nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã đẩy giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong ba tuần, xóa bỏ mức tăng hơn 2 USD trong phần lớn thời gian của phiên.

Reuters cho biết, kết luận cuối cùng của Fed tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày trong tuần là giữ nguyên mức lãi suất 5,25% - 5,5% - mức cao nhất của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong 22 năm qua nhằm giảm lạm phát và ngăn suy thoái kinh tế. Tính từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã nâng lãi suất cho vay chuẩn 11 lần.

Tuy nhiên, giá dầu đã chấm dứt chuỗi giảm tại phiên giao dịch thứ tư của tuần. Kết thúc phiên này, giá dầu tăng hơn 2 USD do khẩu vị rủi ro quay trở lại thị trường tài chính, được hỗ trợ bởi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh.

Song, đà tăng của giá dầu đã nhanh chóng dừng lại ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Cụ thể, dầu đã giảm hơn 2% do lo ngại về nguồn cung gây ra bởi căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt, trong khi dữ liệu việc làm ở Mỹ làm tăng kỳ vọng Fed có thể đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Cũng trong tuần, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 27/10 đã tăng nhẹ 0,8 triệu thùng; tồn kho xăng tăng nhẹ 0,1 triệu thùng; và tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 0,8 triệu thùng.

Với cảnh báo xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng thị trường đang đón nhận cuộc xung đột này một cách "bình thản" vì dường như nó không phải là một sự kiện gây gián đoạn đáng kể nguồn cung hay cầu. Thay vào đó, các chỉ số liên quan đến kinh tế mới là tác nhân chính khiến thị trường dầu biến động.

Tuần trước, dầu không phải là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm đã tiếp thêm lực đẩy cho thị trường chứng khoán. Nhưng thị trường dầu sẽ "dậy sóng" khi có thêm các nước khác tham gia vào cuộc xung đột Israel-Hamas.

Trong tuần này, các nhà phân tích dự báo giá dầu tiếp tục biến động theo diễn biến xảy ra ở Trung Đông.

ĐỌC THÊM