Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 46/2023

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp với mức giảm 4%. Giá dầu tuần trước đã liên tục đảo chiều ngay trong từng phiên giao dịch. Sự biến động của giá dầu trong tuần chịu tác động mạnh bởi nhu cầu yếu, nguồn cung thắt chặt, và sự tăng-giảm của đồng USD.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ chưa đến 50 cent sau khi hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện tổng cộng là 1,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm.

Nhận xét về cam kết này, John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York cho biết Saudi Arabia đang nắm vai trò chủ đạo trong việc thắt chặt thị trường và tăng giá. Còn theo chiến lược gia Giovanni Staunovo của UBS, việc cắt giảm có thể kéo dài sang quý đầu tiên của năm sau do “nhu cầu dầu theo mùa yếu hơn vào đầu năm”, lo ngại về tăng trưởng kinh tế vẫn hiện hữu, và “mục tiêu của các nhà sản xuất và OPEC+ là hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”.

Giá dầu đã giảm sốc hơn 4% xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 tại phiên giao dịch thứ hai của tuần sau khi thị trường tiếp nhận dữ liệu kinh tế trái chiều của Trung Quốc, mức xuất khẩu tăng của OPEC, và sự mạnh lên của đồng USD.

Lo ngại nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc đã đẩy giá dầu trượt dài thêm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng trong phiên giao dịch thứ ba của tuần. Theo hai nhà phân tích Warren Patterson và Ewa Manthey của ING, thị trường dầu biến động với “ít lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông”, thay vào đó tập trung vào việc nới lỏng cán cân cung-cầu. Giá dầu Brent đã bị đẩy xuống dưới mức 80 USD/thùng. Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu thô Brent cho năm 2024 thêm 4 USD xuống còn 93 USD/thùng.

Trong hai phiên cuối cùng của tuần, giá dầu quay đầu leo dốc khi Iraq lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm dầu của OPEC+ trước thềm cuộc họp của nhóm vào ngày 26/11 và khi một số nhà đầu cơ đảm bảo các vị thế bán khống lớn vào cuối tuần.

Như vậy là trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng 3 phiên và giảm 2 phiên. Mức tăng khá khiêm tốn đã không thể giúp giá dầu lấy lại hết được những mất mát lớn ở 2 phiên giao dịch đầu tuần. Tính chung cả tuần qua, dầu Brent sụt 4,9% trong khi dầu WTI mất 5,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, dầu Brent và WTI ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Đà tăng của giá dầu ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần vẫn sẽ được duy trì nếu không có biến động mạnh trên thị trường, đặc biệt là diễn biến xung đột ở Trung Đông vào tuần tới. Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết: “Những lo ngại về nhu cầu đã thay thế nỗi lo gián đoạn sản xuất liên quan đến xung đột ở Trung Đông”.

Các số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc trong tuần trước càng làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu ngày càng suy yếu. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, nước mua dầu thô lớn nhất từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới Saudi Arabia, đã đặt hàng ít hơn từ Saudi Arabia cho tháng 12. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 11 và kỳ vọng của các hộ gia đình về lạm phát lại tăng.

Chủ tịch chi nhánh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại San Francisco Mary Daly cho biết bà chưa sẵn sàng kết luận rằng liệu FED đã thực hiện xong việc tăng lãi suất hay chưa, tương tự bình luận trước đó của Chủ tịch FED Jerome Powell. Lãi suất cao hơn có thể hạn chế nhu cầu dầu khi làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

ĐỌC THÊM