Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 47/2023

Giá dầu tuần trước tiếp tục ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp với mức giảm hơn 1%. Dầu Brent kết thúc tuần ở mức 80,61 USD/thùng; dầu WTI dừng ở mức 75,89 USD/thùng.

Báo cáo thị trường của OPEC, dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục tăng, lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu, các nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán khống chốt lời, và Mỹ trừng phạt một số chủ tàu chở dầu của Nga là những yếu tố chính khiến giá dầu biến động trong tuần qua.

Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng hơn 1% sau khi OPEC, trong báo cáo hàng tháng của mình, cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ và cho rằng giá dầu giảm là do lỗi của các nhà đầu cơ. Giá dầu leo dốc một phần bởi cuộc điều tra của Mỹ về nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Song, tại phiên giao dịch thứ hai, giá dầu Brent đã giảm nhẹ 5 cent, dầu WTI đi ngang. Đầu phiên giao dịch này, cả hai chuẩn dầu đều tăng hơn 1 USD sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu và đồng USD giảm do dữ liệu cho thấy lạm phát đang chậm lại ở Mỹ.

Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, cùng với lo ngại về nhu cầu ở châu Á đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 1,5% ở phiên giao dịch thứ ba của tuần.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 10/11, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 3,6 triệu thùng lên 421,9 triệu thùng, gấp đôi so với dự đoán của các nhà phân tích.

Trong tháng 10, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm so với mức cao của tháng 9 do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh tế của quốc gia Đông Á khởi sắc khi sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng.

Các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu sau số liệu từ Mỹ và châu Á tiếp tục đẩy giá dầu “trượt dốc không phanh” gần 5% xuống mức thấp nhất trong vòng bốn tháng tại phiên giao dịch thứ tư của tuần. Tuy nhiên, ngay phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu lấy lại được mức đã để mất này. Giá dầu bất ngờ tăng vọt là do các nhà đầu tư nắm giữ các vị thế bán khống chốt lời và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty hàng hải và tàu vận chuyển dầu của Nga bán trên mức giá trần của G7.

Như vậy là trong năm phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã giảm ba phiên và tăng hai phiên. Sự bứt tốc của giá dầu ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần không đủ để giúp giá dầu đảo ngược chuỗi giảm của ba tuần trước đó. Giá dầu tuần này tiếp tục đánh dấu tuần giảm giá thứ tư.

Trong tuần, OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm nay lên 2,46 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Theo OPEC, nhu cầu dầu năm 2024 tăng 2,25 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo của tháng trước.

Tương tự, IEA cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ chonăm nay là 2,4 triệu thùng/ngày, tăng 0,1 triệu thùng so với dự báo hồi tháng 10. IEA cũng điều chỉnh mức tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2024 lên 930.000 thùng/ngày, tăng 30.000 thùng so với dự kiến trong báo cáo tháng 10.

Với giá dầu Brent dưới 80 USD/thùng, nhiều nhà phân tích dự đoán Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến năm 2024.

Giới phân tích dự đoán OPEC+ sẽ xem xét liệu có cắt giảm thêm nguồn cung dầu hay không khi nhóm họp vào ngày 25-26/11 tới.

ĐỌC THÊM