Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 49/2023

Giá dầu thế giới tiếp tục ghi nhận tuần lao dốc thứ 6 liên tiếp. Cả dầu Brent và WTI đều trượt xuống dưới mức 80 USD/thùng.

Biến động của giá dầu tuần trước vẫn giữ xu hướng chủ đạo là giảm. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2,1%, dầu WTI lao dốc hơn 1,9%. Nhân tố chính đẩy giá dầu “trượt dốc không phanh” tuần thứ 6 liên tiếp chính là quyết định dời cuộc họp chính sách của OPEC+ sang ngày cuối cùng của tháng 11, và quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện trong quý I/2024 của nhiều thành viên của nhóm này.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm gần 1% khi các nhà đầu tư tiếp tục chờ đến ngày OPEC+ nhóm họp và ra quyết định hạn chế nguồn cung cho năm 2024.

Tuy nhiên, khả năng OPEC+ sẽ gia hạn hoặc cắt giảm nguồn cung sâu hơn, sản lượng dầu của Kazakhstan giảm do bão và sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ giá dầu đảo chiều ngoạn mục ở phiên giao dịch thứ hai của tuần. Tại phiên này, giá dầu đã tăng vọt hơn 2%.

Đà tăng của giá dầu đã được mở rộng sang phiên giao dịch thứ ba của tuần với mức tăng gần 1,5 USD khi các nhà đầu tư tập trung sự chú ý vào kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm nguồn cung nhiều hơn và phớt lờ mức tăng trong dự trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ.

Tại cuộc họp ngày 30/11, các nhà sản xuất của OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện trong quý đầu tiên của năm 2024 tới gần 2,2 triệu thùng/ngày. Thêm vào đó, Saudi Arabia, Nga, Kuwait, Kazakhstan và Algeria cho biết việc cắt giảm sẽ được dỡ bỏ dần sau quý I nếu điều kiện thị trường cho phép. Quyết định này của OPEC+ đã dội một gáo nước lạnh vào thị trường dầu mới vừa ấm lên được hai phiên khiến giá dầu nhanh chóng trở lại quỹ đạo giảm với mức giảm hơn 2%.

Về nguyên tắc, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ hỗ trợ giá dầu tăng. Tuy nhiên, cách từng thành viên của OPEC+ đưa ra tuyên bố riêng về việc cắt giảm tự nguyện của mình thay vì tuyên bố chung của OPEC+ đã khiến các trader bối rối và hoài nghi. Điều đó đã đẩy giá dầu kéo dài đà trượt dốc thêm hơn 2% sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Dầu Brent đã kết thúc tuần giao dịch ở mức 78,88 USD/thùng và dầu WTI của Mỹ đóng cửa tại 74,07 USD/thùng.

Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes được công bố hôm thứ Sáu cho thấy số giàn khoan dầu tuần trước của Mỹ tăng thêm 5 giàn so với tuần trước đó lên 505 giàn, mức cao nhất kể từ tháng Chín.

Trong khi đó, trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng này sẽ điều chỉnh lãi suất một cách “thận trọng."

Các cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng đang theo dõi thận trọng hoạt động chế tạo trên quy mô toàn cầu, vốn vẫn trong tình trạng suy yếu do nhu cầu kém.

Theo các nhà phân tích, nếu các thành viên của OPEC+ tuân thủ đúng cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của mình thì giá dầu sẽ tăng trở lại đầu trong năm tới.

Tuần này giá dầu có thể sẽ chịu tác động bởi báo cáo PMI dịch vụ - một chỉ số quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ vốn chủ yếu dựa vào dịch vụ; thông tin về tình trạng thị trường việc làm của Mỹ thông qua Bảng lương phi nông nghiệp; tồn kho xăng dầu của Mỹ, sự biến động của đồng USD, những diễn biến xoay quanh cuộc xung đột Israel - Hamas.

Giá dầu có thể tiếp tục chịu áp lực trong thời điểm hiện tại do sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc và sự gia tăng sản xuất của Mỹ.