Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 52/2023

Giá dầu kéo dài đà tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp do lo ngại gián đoạn nguồn cung khi các công ty vận tải biển tránh tuyến đường qua Biển Đỏ.

Tuần qua, giá dầu đã liên tục biến động trong từng phiên giao dịch, chịu tác động mạnh bởi lực lượng Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu ở Biển Đỏ và Angola rút khỏi tổ chức OPEC.

Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch với mức tăng gần 2%. Theo Reuters, sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn đối với chi phí cung ứng và thương mại hàng hải sau khi Houthi tấn công 1 tàu thuộc sở hữu của Na Uy ở khu vực Biển Đỏ và công ty dầu mỏ BP thông báo đã tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển qua khu vực này. Nhiều công ty vận tải biển khác như Maersk và CMA CGM cũng đã lên kế hoạch định tuyến lại tàu của mình.

Lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục giúp giá dầu tăng thêm hơn 1,5 USD ở 2 phiên giao dịch tiếp theo của tuần.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, tác động đến nguồn cung dầu từ các cuộc tấn công của Houthi và việc định tuyến lại của các công ty vận tải biển hiện vẫn khá hạn chế mặc dù phí bảo hiểm rủi ro đang tăng lên.

Ngày 19/12, Mỹ đã tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ thương mại ở Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Đáp trả, lực lượng Houthi tuyên bố thách thức sứ mệnh hải quân do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục tấn công các mục tiêu của Israel trong khu vực.

Song, hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần là báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 15/12, tồn kho dầu của Mỹ tăng 2,9 triệu thùng; tồn kho xăng tăng 2,7 triệu thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,5 triệu thùng.

Chặn đà tăng của giá dầu ở phiên giao dịch thứ tư của tuần là quyết định rời OPEC của Angola. Trong phiên này, giá dầu giảm nhẹ.

Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Bộ trưởng dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo cho biết tư cách thành viên của nước này trong OPEC không phục vụ lợi ích của Angola.

Các nhà phân tích cho rằng, bản thân quyết định của Angola không thể có bất kỳ tác động nào đến giá dầu. Việc thiếu đầu tư đã khiến Angola gặp khó khăn khi tăng sản lượng, không thể sản xuất vượt nhiều so với hạn ngạch mà OPEC đặt ra trước đó. Tuy nhiên, việc Angola ra khỏi OPEC cho thấy những bất đồng có thể đang xuất hiện trong nhóm.

Tại cuộc họp vào tháng 11, Angola và Nigeria đã phản đối quyết định của OPEC cắt giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024 để hỗ trợ giá dầu.

Giá dầu tiếp tục lao dốc nhẹ ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 79,07 USD/thùng, dầu WTI  ở mức 73,56 USD/thùng.

Với mức tăng mạnh ở 3 phiên giao dịch đầu tiên của tuần và mức giảm khá khiêm tốn ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cả dầu Brent và WTI đều đã tăng giá khoảng 3% trong tuần trước, chính thức đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau 7 tuần lao dốc không phanh.