Nhu cầu LNG ở châu Á và châu Âu đang bắt đầu tăng trước mùa đông cao điểm trong bối cảnh thị trường bình lặng hơn so với sự hỗn loạn năm ngoái và giá cao kỷ lục. Nhưng cả châu Âu và châu Á đều không nên tự mãn về nguồn cung khí đốt cho mùa đông vì thời tiết lạnh của mùa đông, sự gián đoạn giao hàng và căng thẳng địa chính trị có thể khiến thị trường LNG một lần nữa đảo lộn và khiến giá tăng vọt.
Tuần trước, giá LNG giao ngay tại châu Á giao tháng 11 đã giảm 10% so với tuần trước xuống 13,5 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong bối cảnh nhu cầu yếu và thời tiết ấm áp, các nguồn tin trong ngành nói với Reuters. Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu cũng giảm trong bối cảnh tồn kho cao tại các cơ sở lưu trữ ở EU.
Trước mùa đông 2023/2024, các kho chứa khí đốt ở EU đã lấp đầy 97% tính đến ngày 09 tháng 10, theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu. Châu Âu đạt mục tiêu lấp đầy 90% kho lưu trữ trước ngày 01 tháng 11.
Nhưng tuần này, thị trường khí đốt đã cảm nhận sức nóng của sự gián đoạn nguồn cung đột ngột và giá chuẩn của châu Âu và Anh tăng mạnh. Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan giao trước 1 tháng, chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu, đã tăng 15% vào thứ Hai và thêm 12% vào thứ Ba sau khi một vụ rò rỉ làm đóng cửa một đường ống ngoài khơi giữa Phần Lan và Estonia.
Một năm sau vụ nổ đường ống Nord Stream, hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở châu Âu đã quay trở lại.
“Dựa trên thông tin từ Lực lượng Biên phòng Phần Lan, Gasgrid Phần Lan đã đưa ra đánh giá của chuyên gia, theo đó thiệt hại không phải do quá trình truyền khí thông thường gây ra”, nhà điều hành mạng lưới khí đốt Gasgrid Finland cho biết hôm thứ Ba.
“Rất có thể nguyên nhân hư hỏng ở cả đường ống dẫn khí và cáp dữ liệu là bởi hoạt động bên ngoài. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra thiệt hại”, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba.
Phần Lan gia nhập NATO vào đầu năm nay sau khi nước láng giềng phía đông là Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
An ninh vận chuyển khí đốt đến châu Âu được chú trọng khi nguồn cung từ phía đông Địa Trung Hải có thể gặp nguy hiểm sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel và khả năng căng thẳng leo thang hơn nữa ở Trung Đông và phía đông Địa Trung Hải.
Càng tăng thêm lo ngại về nguồn cung là đe dọa đình công mới tại hai cảng xuất khẩu LNG của Chevron ở Australia, Gorgon và Wheatstone, chiếm khoảng 7% nguồn cung LNG toàn cầu, mặc dù các nhà phân tích hiện không dự đoán bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào.
Trong khi thị trường khí đốt đón nhận các sự kiện “thiên nga đen”, (hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc), thì mô hình điển hình trên thị trường đã bắt đầu lộ rõ.
Theo dữ liệu theo dõi tàu Kpler được nhà báo Clyde Russell của Reuters trích dẫn, theo ước tính, các chuyến LNG đến châu Á và châu Âu đã tăng tốc trong tháng này khi Bắc bán cầu chuẩn bị cho mùa đông.
Những người mua nhạy cảm về giá như Ấn Độ và Pakistan - vốn tránh xa mức giá cao kỷ lục vào cuối năm ngoái - cũng đang quay trở lại thị trường giao ngay đối với mặt hàng này.
Năm ngoái, nguồn cung LNG sang châu Âu được hỗ trợ rất nhiều nhờ nhu cầu yếu ở Trung Quốc và giá quá cao đối với những người mua châu Á nhạy cảm hơn về giá.
Điều này có thể không lặp lại trong năm nay. Sự cạnh tranh gay gắt đến từ châu Á có thể khiến châu Âu rơi vào tình thế thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn về nguồn cung cho mùa đông 2023/2024 bằng cách đẩy giá cao hơn và thu hút nhiều LNG đến châu Á hơn mức mà người mua EU mong muốn.
Một ẩn số lớn khác đối với thị trường LNG trong mùa đông này là thời tiết sẽ lạnh đến mức nào. Mùa đông năm ngoái ôn hòa hơn thường lệ ở châu Âu, điều này giúp chính phủ và các nhà điều hành mạng lưới khí đốt tránh được tình trạng thiếu khí đốt và phân bổ nguồn cung.
Điều này có thể không xảy ra vào mùa đông năm nay và nguồn cung có thể bị căng thẳng nếu thời tiết lạnh hơn bình thường, ngay cả khi nhu cầu thấp hơn do chính phủ kêu gọi tiết kiệm và tiêu thụ công nghiệp yếu.
Mặc dù trữ lượng khí đốt ở mức cao và mức tiêu thụ cũng như nhập khẩu khí đốt giảm, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu khí đốt, ngành công nghiệp và chính phủ Đức đã cảnh báo trong nhiều tháng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo hôm thứ Ba: “Nguy cơ biến động giá, đặc biệt trong trường hợp mùa đông lạnh giá, là nguyên nhân gây lo ngại”.
“Các kho dự trữ khí đốt của Châu Âu đã đầy 96% trước mùa sưởi ấm mùa đông. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo giá ổn định trong suốt mùa đông, đặc biệt trong trường hợp thời tiết cực lạnh”, IEA lưu ý.
Nguồn tin: xangdau.net