Tốc độ nhập khẩu và tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc là một trong những dữ liệu quan trọng đối với thị trường dầu mỏ và các nhà phân tích để đánh giá tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, làm cho quốc gia này trở thành một điểm đến thèm muốn của các nhà sản xuất dầu lớn nhất, nhất là từ Trung Đông.
Trong thời gian thực hiện cắt giảm sản xuất của OPEC, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cho thấy thị phần đã thay đổi như thế nào, ai đang thắng và thua trong cuộc chạy đua cung cấp dầu cho Châu Á trong khi OPEC và các nước đồng minh do Nga dẫn đầu đang hạn chế sản xuất.
Người bị thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến thị phần ở Trung Quốc không ai khác chính là Ả-rập Xê-út, Vuông quốc này đang đi đầu trong nỗ lực hạn chế nguồn cung và đẩy giá dầu leo thang. Còn người giành thắng lợi lớn nhất trong hiệp ước cắt giảm sản xuất là Nga và Angola. Hai nước không tham gia vào thỏa thuận là Mỹ và Brazil, đều tăng đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho biết đại khái bao nhiêu thùng dầu mà Saudi đã từ bỏ ở Trung Quốc trong lúc tìm cách tái cân bằng thị trường, chuyên mục Clyde Russell viết.
Từ giữa tháng 1 đến tháng 8, Nga là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc, tiếp đến là Angola và Ả-rập Xê-út. Nhập khẩu từ Nga tăng 13,2% lên 1,16 triệu thùng/ngày trong tám tháng đầu năm 2017. Nhập khẩu từ Angola tăng 16,6% lên 1,05 triệu thùng/ngày, trong khi nhập khẩu từ Ả-rập Xê-út giảm 1,7% xuống 1.03 triệu thùng/ngày trong cùng thời gian nêu trên.
Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2016, nhưng những cắt giảm của OPEC đã làm cho sự thống trị của Nga nổi bật hơn trong năm nay.
Trong khi Saudi đang cắt giảm xuất khẩu tới một số khách hàng châu Á, thì Nga đã tăng xuất khẩu dầu trong năm nay, theo dữ liệu Bloomberg cho thấy. Mặc dù Nga cũng đang hạn chế sản lượng (300.000 thùng/ngày so với mức cao thời hậu Xô Viết), nhưng xuất khẩu toàn cầu của nước này đã vượt mức xuất khẩu năm 2016 trong mỗi tháng tính từ đầu năm đến tháng 8 năm nay.
Tại thị trường Trung Quốc, Nga đã giữ vị trí hàng đầu trong tháng 8 ở tháng thứ sáu liên tiếp. Vị trí thứ hai là Angola. Và thứ ba, Ả-rập Xê-út, với doanh số giảm 16,2% so với tháng 8 năm ngoái, xuống còn khoảng 861.200 thùng/ngày. Về phần mình, Angola cho thấy xuất khẩu dầu sang Trung Quốc tăng vọt gần 28% lên 983.500 thùng/ngày, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Iran và Iraq cũng tăng trong tháng Tám. Theo dữ liệu của Reuters Eikon, doanh số dầu bán ra của Iran tại Trung Quốc tăng 5.45% lên 786.720 thùng/ngày - mức cao nhất kể từ năm 2006. Nhập khẩu tháng Tám của Trung Quốc từ Iraq tăng 30% lên 736.400 thùng/ngày.
Thị phần của Saudi ở thị trường Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những tháng hè, sau khi Saudi bắt đầu cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu tới những thị trường được chọn lựa để đẩy nhanh tốc độ giải phóng lượng cung thừa mứa với hy vọng nâng giá dầu.
Theo số liệu của Bloomberg, thị phần dầu của Saudi tới Trung Quốc đã giảm xuống mức trung bình 11 phần trăm trong thời gian từ tháng 6 tới tháng 8 năm nay, so với mức trung bình 15% vào năm 2015.
Trong khi các thành viên OPEC và Nga đang chiến đấu để thu hút người mua Trung Quốc, thì những người bên ngoài thỏa thuận-Brazil và Mỹ-đã tăng doanh số của họ tới Trung Quốc. Nguồn cung thấp hơn từ OPEC và chênh lệch giá cả theo chiều có lợi đã khiến người mua Trung Quốc tăng thu mua từ Bắc và Nam Mỹ.
Xuất khẩu dầu của Braxin sang Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 8 tăng 41,8% lên 480.000 thùng/ngày, trong khi doanh số dầu thô của Mỹ ở Trung Quốc là 128.000 thùng/ngày, tăng hơn 1.000%, số liệu của Reuters cho thấy.
Theo dữ liệu EIA, có sẵn cho đến tháng 7, Trung Quốc là nước mua dầu lớn thứ hai của Mỹ trong năm nay, và vào tháng 2 và tháng 4 khối lượng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thậm chí đã vượt Canada.
Thị phần mà Ả rập Xê Út đã mất ở Trung Quốc là hệ quả của chính sách hiện tại nhằm tăng giá dầu. Nhưng một khi cắt giảm của OPEC kết thúc- và họ sẽ kết thúc sớm hơn (tháng 3 năm 2018) hoặc sau đó (cuối năm 2018) – thì cuộc chạy đua về việc cung cấp cho các khu vực nhu cầu dầu đang tăng trưởng nhanh nhất sẽ bắt đầu ra trò lần nữa.
Vì vậy Saudi Aramco hiện đang tìm kiếm hợp đồng với các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc để bảo đảm xuất khẩu trong tương lai. Aramco đang tìm kiếm sự hợp tác với CNPC để sở hữu một phần trong nhà máy lọc dầu Anning công suất 260.000 thùng/ngày ở tỉnh Vân Nam, cộng thêm một số hợp đồng tiềm năng trong lĩnh vực lọc dầu.
Trong khi đó, cho đến khi những cắt giảm của OPEC chấm dứt, Saudi có thể tiếp tục hy sinh thị phần cho giá dầu cao hơn để hỗ trợ định giá cao hơn cho Aramco trong đợt IPO sắp tới.
Nguồn tin: xangdau.net