Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cân bằng nhu cầu dầu lạc quan hơn năm 2023

Năm ngoái lại là một năm đáng thất vọng đối với phần lớn các loại hàng hóa khi tất cả mọi thứ từ dầu khí đến ngũ cốc và kim loại cơ bản đều ghi nhận mức sụt giảm lớn. Thật không may cho những nhà đầu cơ giá lên, năm 2024 có thể sẽ mang lại nhiều điều tương tự hơn, nếu căn cứ theo tâm lý thị trường. Trong khi Chỉ số hàng hóa Bloomberg (BCOM), một chuẩn phổ biến được theo dõi bởi 23 hợp đồng trên sàn giao dịch hàng hóa giao ngay, về cơ bản không thay đổi trong năm mới, tâm lý thị trường gần giống với đầu năm 2023, báo hiệu những khó khăn phía trước.

Vào đầu năm 2023, các nhà giao dịch và nhà quản lý tiền tệ đã lạc quan về xăng, vàng và bạch kim; trung lập đối với đồng nhưng rất bi quan đối với dầu thô và palladium. Họ gần như đã đúng: Các mặt hàng năng lượng ghi nhận mức giảm sâu trên diện rộng, xăng, dầu sưởi, ethanol, biên lợi nhuận lọc dầu và than đá đều ghi nhận mức lỗ hai con số. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn giảm gần một nửa phần lớn là do cung vượt cầu; vàng đạt mức tăng hai con số trong khi palladium giảm gần 40%.

Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã báo cáo rằng bạc và sản phẩm chưng cất là những mặt hàng duy nhất có vị thế nhà đầu tư thay đổi đáng kể so với một năm trước; vị thế của dầu thô và kim loại rất giống với mức của năm trước trong khi tâm lý đối với các mặt hàng khác chỉ thay đổi một chút. Theo StanChart, sự bi quan về nhu cầu một lần nữa lại áp đảo thị trường, cùng với lo ngại rằng thặng dư thị trường dầu mỏ sẽ lớn hơn vào năm 2024 so với năm 2023. Sự khác biệt chính là các nhà giao dịch kỳ vọng Mỹ và châu Âu sẽ là nguyên nhân chính khiến nhu cầu suy yếu trong nền kinh tế năm hiện tại chứ không phải Trung Quốc như trường hợp của năm 2023.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã lưu ý rằng lần này có hai điểm khác biệt quan trọng khiến họ tin rằng giá dầu có thể bị định giá thấp ít nhất 10 USD/thùng.

Trước hết, cân bằng cung và cầu tăng đáng kể so với một năm trước, khi mức thặng dư quá lớn trong tháng 1 là 3,5 triệu thùng/ngày dẫn đến thặng dư lớn 1,6 triệu thùng/ngày trong Q1-2023. StanChart đã dự đoán thặng dư tháng 1 năm 2024 sẽ ở mức bình thường hơn theo mùa là 1,5 triệu thùng/ngày, với thâm hụt trong tháng 2 và tháng 3 sẽ bù đắp phần lớn thặng dư trong tháng 1, dẫn đến thâm hụt quý 1-2024 chỉ 0,3 triệu thùng/ngày.

Điểm khác biệt chính thứ hai là thị trường đang đánh giá thấp rủi ro về bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông, với khả năng xuất khẩu dầu của cả Iran và Iraq đều bị đánh giá thấp.

Tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ

StanChart không chỉ dự đoán thặng dư dầu toàn cầu nhỏ hơn nhiều vào đầu năm mà còn nhận thấy tăng trưởng nhu cầu vẫn ở mức cao. Thật vậy, StanChart đã dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024 và 2025 sẽ vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn. Các chuyên gia đã dự đoán rằng tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2024 sẽ đạt mức 1,54 triệu thùng/ngày trước khi giảm nhẹ xuống 1,41 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Stanchart cho biết nguồn cung của các nước ngoài OPEC, bao gồm từ Mỹ, đang chậm lại, và nhu cầu mạnh mẽ sẽ hỗ trợ giá ở mức cao hơn.

Trung Quốc dự kiến vẫn là nguồn tăng trưởng nhu cầu chủ lực, với nhu cầu dự kiến sẽ tăng thêm 553.000 thùng/ngày trong năm nay và 373.000 thùng/ngày vào năm 2025. StanChart dự đoán mức tăng trưởng nhu cầu của Ấn Độ sẽ ở mức 329 ngàn thùng/ngày trong năm 2014 và 373 ngàn thùng/ngày vào năm 2025.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng thời kỳ bá chủ dầu mỏ của Trung Quốc sắp qua đi khi Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong những năm tới phần lớn nhờ vào dân số tăng nhanh. Việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng xe điện cũng không phải là điềm tốt cho ngành dầu mỏ nước này.

“Ấn Độ luôn vượt Trung Quốc trong một khoảng thời gian để trở thành động lực tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, chủ yếu là do các yếu tố nhân khẩu học như tăng trưởng dân số”, Parsley Ong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và hóa chất châu Á tại JPMorgan Chase & Co. ở Hồng Kông, nói với Bloomberg.

Cũng giống như năm ngoái, năm hiện tại dự kiến sẽ lập kỷ lục mới trên thị trường dầu mỏ. Stan Chart đã dự đoán nhu cầu hàng tháng trên toàn cầu sẽ vượt mức 104 triệu thùng/ngày lần đầu tiên vào tháng 8 năm 2024 và đạt 105 triệu thùng/ngày vào tháng 8 năm 2025. Tăng trưởng nhu cầu của các nước ngoài OPEC sẽ vượt xa mức tăng trưởng nguồn cung trong cả hai năm, dẫn đến tăng trưởng 520 ngàn thùng/ngày đối với nhu cầu dầu thô của OPEC vào năm 2024 và 880 ngàn thùng/ngày vào năm 2025. Nhu cầu dầu thô của OPEC là thuật ngữ dùng để mô tả khối lượng sản xuất dầu ước tính cần thiết của các nước OPEC để cân bằng cung cầu dầu thô toàn cầu.

StanChart đã dự đoán nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024, nhưng với tốc độ chậm hơn. Tăng trưởng sản xuất dầu của Hoa Kỳ dự kiến sẽ chậm lại từ 1,009 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 464 ngàn thùng/ngày vào năm 2024 và chỉ 137 ngàn thùng/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, StanChart đã thừa nhận rằng các kế hoạch khoan và vốn đầu tư hiện tại của các nhà sản xuất Hoa Kỳ có thể chứng kiến mức tăng trưởng tăng với biên độ lớn hơn so với dự báo của hãng.

Dự đoán của StanChart khá giống với dự đoán của EIA cũng kỳ vọng nguồn cung dầu thô tăng ít vào năm 2024. EIA ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ không đạt 13,3 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12 năm 2024 sau khi kết thúc năm 2023 ở mức 13,2 triệu thùng/ngày.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM