Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hiệu quả của hoạt động bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2020-2022

Thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao liên tục, các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được trao quyền tự định giá, Nhà nước vẫn phải áp dụng linh hoạt các biện pháp điều hành giá để góp phần BOG...

Tại Văn bản số 2112/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp thứ 21, ngày 15/3/2023) về dự án Luật Giá (sửa đổi) có nêu rõ: “Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ”. Để đáp ứng yêu cầu này, bài viết đánh giá, lượng hóa kết quả của hoạt động bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam trong giai đoạn 2020-2022.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong nền kinh tế Việt Nam, mặt hàng xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì hầu hết các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đều cần đến xăng dầu (làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, sản xuất năng lượng…).

Tuy Việt Nam là quốc gia khai thác dầu thô và có 2 nhà máy lọc dầu (với tổng công suất chế biến là 17 triệu tấn dầu thô/năm), nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ (lượng dầu mỏ nhập khẩu ròng chiếm khoảng 60% tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa trong giai đoạn 2020-2022).

Vì vậy, diễn biến giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm ở Việt Nam phụ thuộc rất mạnh vào biến động của giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, trực tiếp là biến động của giá xăng dầu thành phẩm ở thị trường Singapore…

BIỆN PHÁP THỰC HIỆN BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Do thị trường kinh doanh xăng dầu chưa phải là thị trường cạnh tranh, còn có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên Nhà nước thực hiện quản lý thông qua quy định cụ thể về công thức tính giá cơ sở, cơ chế điều chỉnh giá...

Theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (BOG).

Để BOG xăng dầu, các cơ quan chức năng có thể hướng dẫn, tổ chức thực hiện 7 nhóm biện pháp.

Một là, thực hiện biện pháp nhằm tăng/giảm cung xăng dầu trên thị trường (điều tiết nhập khẩu hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia…);

Hai là, các biện pháp về tài chính (tăng/giảm thuế hoặc hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế…);

Ba là, lập và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu;

Bốn là, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đăng ký giá;

Năm là, kiểm tra yếu tố hình thành giá xăng dầu;

Sáu là, công bố giá cơ sở xăng dầu (là giá tối đa) để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự công bố giá bán lẻ xăng dầu của mình;

Bẩy là, các biện pháp khác theo quy định của pháp luật (kiểm tra hoạt động của các thương nhân đầu mối, đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm chống tình trạng “găm” hàng, đợi điều chỉnh tăng giá…).

Thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao liên tục, các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được trao quyền tự định giá, Nhà nước vẫn phải áp dụng linh hoạt các biện pháp điều hành giá để góp phần BOG.

Cụ thể, Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện điều chỉnh giá cơ sở của xăng dầu 10 ngày/lần (trước ngày 2/1/2022 là 15 ngày/lần), các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được bán xăng dầu với giá cao hơn mức giá cơ sở này;

Liên Bộ tăng cường sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để hạn chế sự tăng giá rất mạnh của giá xăng dầu thế giới tác động vào giá xăng dầu trong nước; (iii) sử dụng thêm các công cụ thuế (rõ nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022 và ngày 11/7/2022), phí… nhằm BOG xăng dầu.

GIÁ BÁN LẺ XĂNG DẦU ĐƯỢC BÌNH ỔN HƠN

Nhờ những biện pháp điều hành nêu trên, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam từ năm 2020-2022 đã được bình ổn hơn khá nhiều so với sự biến động mạnh của giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Kết quả này thể hiện ở một số điểm nổi bật.

Năm 2020 so với năm 2019, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm 35,12 - 38,28%, nhưng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ giảm 22,94 - 25,13%, tức là hoạt động BOG có tác dụng làm cho năm 2020 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng tăng 14,02 điểm phần trăm (tương đương 2.802 đồng/lít), Diesel tăng 13,15 điểm phần trăm (tương đương 2.143 đồng/lít), Mazut tăng 11,37 điểm phần trăm (tương đương 1.601 đồng/kg) so với sự giảm tương ứng của giá thế giới.

Việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu trong năm 2020 đã góp phần vào hoạt động BOG này chiếm tỷ trọng đối với BOG giá xăng là 6,20% (nghĩa là các hoạt động BOG năm 2020 làm giá xăng ở Việt Nam tăng 2.802 đồng/lít so với giá thế giới, thì riêng việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu làm tăng 173,7 đồng/lít, chiếm 6,20%), Diesel là 26,95%, Mazut là 3,28%...

Nguồn tin: VnEconomy

ĐỌC THÊM