Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới nổi bật (16-22/12): Nga đẩy mạnh khai thác khí đốt, kiểm soát đầu tư nước ngoài, Mỹ khó thoát suy thoái

Cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu vì tiền kỹ thuật số, Nga khởi công nhà máy khai thác khí đốt, EU có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD vì từ chối năng lượng Moscow… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Tiền kỹ thuật số có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das ngày 21/12 cảnh báo, các thị trường tiền kỹ thuật số có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vụ phá sản gần đây của sàn FTX đã phơi bày những rủi ro vốn có của lĩnh vực này.

Những phát biểu trên khép lại một năm thách thức đối với hàng triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số tại Ấn Độ, khi thị trường toàn cầu lao dốc và thuế đánh vào lợi nhuận giao dịch tiền kỹ thuật số trong nước cao.

Ông Das cho rằng, mối lo chính của RBI về tiền kỹ thuật số là đồng tiền này không có bất kỳ giá trị cơ bản nào. Quan điểm của RBI là nên cấm tiền kỹ thuật số bởi nếu nỗ lực quản lý và cho phép loại tiền này phát triển thì hậu quả sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính.

Việc giá của các đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất như đồng bitcoin đã "thổi bay" hơn 2.000 tỷ USD giá trị thị trường toàn cầu so với mức đỉnh 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Vụ phá sản của FTX, sàn giao dịch tiền kỹ thuật số với giá trị 32 tỷ USD trước khi nộp đơn phá sản vào tháng trước, đã khiến lĩnh vực này càng bị quản lý chặt hơn.

Ông Das cho rằng việc giá trị đồng tiền kỹ thuật số và những diễn biến gần đây sau vụ phá sản của FTX đã cho thấy những đồng tiền này có những rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô. (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Joe Davis - nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn đầu tư Vanguard, cho rằng, Mỹ sẽ trải qua một cuộc suy thoái vào năm 2023. Và giống như nhiều đồng nghiệp của mình, ông không nghĩ rằng đó sẽ là một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Ông Davis mô tả, sự suy thoái này thực tế chỉ là giai đoạn nền kinh tế điều chỉnh sau khi bùng nổ quá mức hậu đại dịch, với công nghệ và một số ngành công nghiệp rơi vào tầm ngắm khi mọi người hình thành những thói quen sinh hoạt và tiêu dùng mới, nhưng đồng thời nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó khăn.

Chuyên gia Davis dự đoán, kịch bản năm 2023 sẽ giống như khoảng thời gian từ tháng 3-11/2001 - giai đoạn mà Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) tuyên bố là suy thoái. Vào thời điểm đó, GDP của Mỹ đã giảm trong quý đầu tiên và thứ ba của năm 2001, nhưng đã tăng trong quý thứ hai và thứ tư.

Tính cả năm 2001 GDP của Mỹ tăng 1%. Con số này gấp đôi mức tăng trưởng 0,5% mà Fed dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong năm 2022 và cả năm 2023. (Reuters)

* Ngày 16/12, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo sẽ kéo dài thêm 9 tháng thời gian miễn trừ thuế quan đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/12.

Theo USTR, quyết định gia hạn sẽ cho phép cân nhắc thêm về các trường hợp được miễn trừ trong khuôn khổ cuộc đánh giá toàn diện 4 năm đang diễn ra về các mức thuế mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt theo Mục 301. USTR cho biết sẽ thu thập ý kiến trong quá trình đánh giá lại chính sách thuế quan đến hết ngày 17/1/2023. (AP)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay do tác động của đại dịch Covid-19 và diễn biến không thuận lợi trong lĩnh vực bất động sản ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

WB hạ dự báo tăng trưởng của quốc gia châu Á trong năm 2022 xuống 2,7%, so với mức tăng 4,3% được dự báo vào tháng 6/2022. WB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 từ 8,1% xuống 4,3%. Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Trung Quốc đã tuyên bố trong năm nay, một con số mà nhiều nhà phân tích dự báo là không dễ đạt được. (AFP)

* Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG) cho biết, nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan), nhà máy lớn thứ hai trên thế giới xét về tổng công suất lắp đặt, đã hoạt động hết công suất trong ngày 20/12 ở thượng nguồn sông Dương Tử tại miền Tây - Nam Trung Quốc.

Với tổng công suất lắp đặt là 16 triệu kilowatt (kW), Bạch Hạc Than chỉ đứng sau dự án đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.

Việc nhà máy Bạch Hạc Than vận hành hết công suất cũng đồng nghĩa với việc hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới, chính thức được hoàn thiện. Hành lang này có chiều dài 1.800 km, gồm 6 nhà máy thủy điện lớn trên sông Dương Tử hoạt động để truyền tải điện năng từ khu vực miền Tây giàu tài nguyên tới các khu vực tiêu thụ năng lượng ở miền Đông Trung Quốc. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 18/12, hãng tin Bloomberg cho hay, việc từ bỏ khí đốt của Nga do tình hình Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.

Số tiền này là do giá điện tăng đối với các công ty và người tiêu dùng châu Âu. Đồng thời, đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong những thập niên gần đây.

Sau mùa Đông, các kho chứa khí đốt sẽ trống rỗng và trong điều kiện nguồn cung cấp khí đốt của Nga chỉ ở mức tối thiểu thì sẽ khó để lấp đầy các kho chứa này. Theo các nhà phân tích của Bloomberg, nếu giá khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu (EU) tăng lên mức 210 Euro/MWh thì khối này sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng. (TTXVN)

* Thông qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/12 đã phát lệnh khởi công công trình khai thác mỏ khí thiên nhiên Kovykta ở phía Đông Siberia và đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đoạn Kovykta-Chayanda với chiều dài 804 km của tuyến đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) vận chuyển khí đốt từ Nga sang Trung Quốc.

Tổng thống Putin cho rằng, việc đưa vào khai thác mỏ khí đốt Kovykta, một trong mỏ khí đốt lớn nhất ở miền Đông của Nga, với trữ lượng có thể khai thác là 1,8 triệu m3, sẽ đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy cho các đối tác nước ngoài và thúc đẩy phát triển các khu vực miền Đông của Nga. (Reuters)

* Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/12 thông báo cơ quan này đã thông qua kế hoạch trị giá 28 tỷ euro (29,69 tỷ USD) của chính phủ Đức nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng Mặt trời.

Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. EC cho biết kế hoạch này là cần thiết và phù hợp để thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như giảm lượng khí thải đang làm Trái đất ấm dần lên. Bên cạnh đó, theo EC, những tác động môi trường tích cực của nguồn năng lượng này lớn hơn so với tác động tiêu cực có thể gây ra. (TTXVN)

* Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 21/12 đã thông qua một gói dự luật nhằm tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế nước này.

Gói dự luật trên được soạn thảo để ngăn ngừa rủi ro phát sinh từ đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tham gia các hoạt động có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng và an ninh đất nước, cải thiện quy định pháp lý trong lĩnh vực này cũng như môi trường đầu tư trong nước. (TTXVN)

* Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2023 do khủng hoảng năng lượng và lạm phát, trước khi phục hồi trở lại vào năm 2024 và 2025.

Theo BoF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chậm lại từ 2,6% trong năm 2022 xuống 0,3% vào năm 2023, theo kịch bản kinh tế vĩ mô có thể xảy ra nhất của BoF và tăng trưởng sẽ chậm lại sau khi phục hồi 1,2% vào năm 2024. (AFP)

* Ngày 21/12, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, khoản vay ròng của khu vực công (không bao gồm các ngân hàng khu vực công) đạt tổng cộng 22 tỷ Bảng Anh trong tháng 11/2022. Con số này đã tăng 13,9 tỷ Bảng so với tháng 11/2021 và cao hơn gần 9 tỷ Bảng so với tổng số của tháng 10/2022.

Cùng với đó, thâm hụt ngân sách của Anh trong tháng 11/2022 ở mức 22 tỷ Bảng Anh, cao nhất được ghi nhận từ năm 1993 và gần gấp ba lần so với mức 8,1 tỷ Bảng so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo mức thâm hụt ngân sách chỉ ở mức 14,8 tỷ Bảng Anh. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự định sẽ giảm dần trợ giá xăng dầu từ đầu năm 2023 trong bối cảnh nhiều người tin rằng giá bán lẻ nhiên liệu sẽ không tăng mạnh trở lại nếu giá dầu thô vẫn đứng ở mức như hiện tại.

Theo kế hoạch này, từ tháng 1/2023, mỗi tháng, METI sẽ cắt giảm mức trần trợ cấp cho 29 nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu trong nước 2 Yen (0,015 USD)/lít để đưa mức trần này từ 35 Yen/lít hiện nay về 25 Yen/lít vào tháng 5/2023. (Kyodo)

* Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 21/12 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2023 xuống 1,6%, khi Seoul chịu tác động từ việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu yếu hơn.

Con số trên giảm mạnh so với mức dự báo tăng 2,5% mà Bộ trên đưa ra hồi tháng Sáu và cũng thấp hơn dự báo tăng trưởng 1,7% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2% trong năm tới. Đối với năm 2022, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ tư châu Á dự kiến tăng trưởng 2,5%. (Yonhap)

Kinh tế Hàn Quốc. (Nguồn: Getty Images)
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2023. (Nguồn: Getty Images)

* Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, xuất khẩu của nước này trong giai đoạn từ ngày 1-20/12/2022 đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu chip và thiết bị di động yếu.

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu hàng hóa của nước này đạt 33,6 tỷ USD trong khoảng thời gian từ ngày 1-20/12, so với mức 36,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu trong thời gian này tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước lên 40 tỷ USD dẫn đến thâm hụt thương mại là 6,4 tỷ USD. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chính phủ Australia ngày 21/12 cam kết đầu tư 4,7 tỷ AUD (3 tỷ USD) để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo ở bang New South Wales (NSW), hướng tới mục tiêu tạo ra nhiều hơn nữa nguồn cung, giúp giảm giá năng lượng nội địa, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.

Cụ thể, khoản ngân sách quốc gia này sẽ được dùng để xây dựng các đường dây truyền tải điện, giúp đưa điện năng sẽ được tạo ra từ năm 2030, từ các khu khai thác năng lượng tái tạo đang được hình thành, vào mạng lưới điện chung của bang NSW. Bên cạnh đó, mạng lưới truyền tải cũng được mở rộng để kết nối điện năng từ nhà máy thủy điện mới Snowy 2.0 vào lưới điện của địa phương. (TTXVN)

* Số liệu của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) ngày 20/12 cho biết, nhờ sự cải thiện trong chuỗi cung ứng chip, sản lượng ô tô ở nước này trong tháng 11 vừa qua tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 190.155 chiếc.

Tuy nhiên, xuất khẩu ô tô trong tháng 11/2022 đã giảm 10,98% so với cùng giai đoạn năm 2021, sau khi tăng 15,51% trong tháng 10/2022. Bên cạnh đó, doanh số bán ô tô trong nước tháng 11/2022 cũng giảm 4,79% xuống 68.284 xe. Nguyên nhân được đưa ra là do tình hình mưa lũ tại một số vùng trên cả nước. (TTXVN)

* Ngày 20/12, hãng hàng không quốc gia Garuda của Indonesia đã nhận được đợt bơm vốn của nhà nước lên tới 7.500 tỷ Rupiah (480 triệu USD) nhằm đẩy nhanh chương trình phục hồi trong bối cảnh lĩnh vực hàng không bắt đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Khoản tài trợ mới nói trên đến vào thời điểm quá trình phục hồi kinh tế quốc gia - đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch - đang trên đà tiến triển, cho thấy sự hỗ trợ của chính phủ đối với kế hoạch chuyển đổi hoạt động của hãng. (TTXVN)

* Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Ahmad Maslan, khoản nợ trực tiếp của chính phủ liên bang lên tới 1.078 tỷ RM (242,7 tỷ USD) và quốc gia Đông Nam Á này rất khó có thể đạt mức dư ngân sách tài khóa trong những năm tới.

Phát biểu trong phiên họp Thượng viện ngày 21/12, ông Ahmad Maslan lý giải khoản nợ này gia tăng đáng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chính phủ phải tăng chi tiêu. (TTXVN)

Nguồn tin: Thế giới & Việt nam

ĐỌC THÊM