Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường dầu châu Á giảm nhiệt trong phiên sáng 22/4

Mở cửa phiên sáng 22/4, giá dầu châu Á giảm trong bối cảnh các nhà giao dịch hướng sự chú ý trở lại tình hình cung cầu của thị trường, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông dịu xuống.

Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 54 xu Mỹ (0,6%) xuống 86,75 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 5/2024 giảm 12 xu Mỹ xuống 83,02 USD/thùng.

Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho hay những lo ngại về kinh tế một lần nữa đã trở thành yếu tố gây quan ngại cho thị trường dầu, khi giá chịu sức ép do lượng dầu trong các kho dự trữ của Mỹ tăng lên và bình luận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến đồng USD mạnh lên.

Ngày 19/4, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee là quan chức mới nhất đánh tín hiệu thời điểm cắt giảm lãi suất có thể bị kéo dài do quá trình giải quyết lạm phát “bị đình trệ”.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tuần trước, lượng dầu tồn kho của nước này đã tăng 2,7 triệu thùng. Mức tăng này nhiều gần gấp hai lần dự báo của các nhà phân tích là tăng 1,4 triệu thùng.

Tuần trước, hai hợp đồng dầu chủ chốt đã ghi nhận tuần giảm giá mạnh đầu tiên kể từ tháng 2/2024 sau khi Iran xoa dịu những căng thẳng về cuộc tấn công của Israel và cho biết không có kế hoạch trả đũa.

Ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ cho Ukraine và Israel bao gồm các biện pháp cho phép chính phủ liên bang mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Iran và hoạt động sản xuất dầu của nước này. Tuy nhiên, thị trường đã phớt lờ tin tức này vì tác động của các biện pháp này, nếu được thông qua, sẽ phụ thuộc vào cách chúng được giải thích và thực hiện. Việc xem xét dự luật của Thượng viện sẽ bắt đầu vào ngày 23/4.

Iran là nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Bất chấp một loạt các lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ, xuất khẩu dầu của nước này vẫn tăng do nhu cầu từ Trung Quốc và các mạng lưới bên ngoài hệ thống tài chính Mỹ.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết sự biến động ở Trung Đông sẽ khiến thị trường dầu mỏ "quan ngại".

Nguồn tin: TTXVN

ĐỌC THÊM