Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

‘Chiến tranh tâm lý” với Iran không thể làm kích động thị trường dầu

 

Chính quyền Trump đã kiềm chế để không xảy ra một cuộc tấn công quân sự vào tháng trước, nhưng chu kỳ leo thang của Hoa Kỳ và Iran vẫn tiếp tục.

Iran tuyên bố kế hoạch mới nhất của mình nhằm giảm cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tăng mức độ làm giàu uranium vượt 4,5% và hứa sẽ thực hiện các bước bổ sung sau mỗi 60 ngày cho đến khi châu Âu thực hiện lời cam kết đưa ra những lợi ích của hiệp định hạt nhân. Châu Âu không thể cung cấp lối đi an toàn cho dầu Iran và giao thương ít ỏi mà Châu Âu có thể đảm bảo thông qua tổ chức tài chính non trẻ của mình là không đủ đối với Tehran.

Trung Quốc đổ lỗi cho Washington. “Phía Mỹ không chỉ đơn phương rút khỏi thỏa thuận mà còn tạo ra nhiều trở ngại hơn cho Iran và các bên khác trong việc thực thi thỏa thuận thông qua các lệnh trừng phạt đơn phương và quyền hạn vũ trang lâu dài”, một phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết. “Rõ ràng việc bắt nạt đơn phương đã trở thành một “khối u” tồi tệ hơn và đang tạo ra nhiều vấn đề và khủng hoảng lớn hơn trên quy mô toàn cầu”.

Không còn bằng lòng ngồi chờ đợi chính quyền Trump, đặc biệt là với xuất khẩu dầu lao dốc, Iran đã quyết định thực hiện các bước đi quyết đoán hơn. Bởi vì Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp ước hạt nhân năm ngoái, nên Iran nói rằng họ không còn bị ràng buộc để giữ lời hứa của mình.

Chiến lược mới của Iran liên quan đến một loạt các biện pháp gia tăng nhưng leo thang để gây áp lực lên châu Âu. “Sự vi phạm thỏa thuận của Iran giờ đây cũng có thể khiến châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran”, Commerzbank viết trong một ghi chú. Tuy nhiên, Pháp tuyên bố sẽ không có hành động trừng phạt đối với Iran.

Nhưng việc bắt giữ một tàu chở dầu Iran vào tuần trước bởi Anh ở Gibraltar mở ra một điểm bất đồng khác. Vương quốc Anh cho biết tàu chở dầu này đang vận chuyển dầu đến Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU (vụ việc này không liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ). Nhưng vì Iran không phải là thành viên của Liên minh châu Âu, nên Tehran nói rằng họ không phải chịu lệnh trừng phạt của EU đối với việc vận chuyển dầu tới Syria. Do đó, Iran cho rằng việc bắt giữ tàu chở dầu này là bất hợp pháp. “Chúng tôi sẽ không chịu đựng hành động cướp biển này của Anh”, Bộ trưởng quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết, theo Mehr News.

Bế tắc này có thể làm hỏng mối quan hệ EU-Iran. Bloomberg đưa tin rằng một tàu chở dầu do BP điều hành đang nán lại bờ biển Saudi bên trong Vịnh Ba Tư vì lo sợ rằng có thể bị Iran bắt giữ như một hình thức trả đũa. Tàu chở dầu của BP đang đi tới kho cảng Basrah của Iraq vào tuần trước nhưng đã nhanh chóng quay lại vùng biển Saudi.

“Đây là một trò chơi tâm lý”, Olivier Jakob, giám đốc điều hành của hãng tư vấn năng lượng Petromatrix GmbH, nói với Bloomberg. “Không ai muốn trở thành đối tượng mà tàu của họ bị bắt giữ trong tình trạng 'ăn miếng trả miếng' này. Không rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo, nhưng đó sẽ là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thị trường dầu mỏ nếu xuất khẩu dầu của Iraq đột nhiên phải đối mặt với những vấn đề được nói đến, mặc dù có khả năng chỉ có các tàu chở dầu của Anh gặp rủi ro cho đến khi vụ việc bắt giữ tàu chở dầu được giải quyết. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây vẫn là một vấn đề nữa đối với các chủ tàu đi qua eo biển Hormuz.

Sản lượng khai thác dầu của Iran được báo cáo giảm xuống còn 2,28 triệu thùng mỗi ngày, mức thấp trong ba thập kỷ. Nhưng xuất khẩu thậm chí còn xuống thấp hơn mức này. “Theo dữ liệu của Bloomberg, lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến xuất khẩu dầu của Iran chỉ còn dưới 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 6”, Commerzbank viết trong một ghi chú.

Trong khi các tính toán ở cả Tehran và Washington hầu hết được hiệu chỉnh trong thời gian ngắn, Iran có vấn đề dài hạn hơn từ các lệnh trừng phạt và sự cô lập. Các mỏ dầu của nước này đã già hơn và cần đầu tư nhiều hơn để tiếp tục sản xuất, và có thể bị suy giảm nghiêm trọng hơn nếu không được bảo trì. “Với việc xuất khẩu dầu tiếp tục bị hạn chế hơn nữa trong năm nay, Iran nên lo lắng không chỉ về việc mất thị phần ngày hôm nay (và mất bao lâu để khôi phục vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu), mà còn có khả năng sản lượng giảm có thể khiến nước này mất năng suất hiệu quả lâu dài hơn nếu các mỏ dầu bị tổn hại do hạn chế sản xuất bắt buộc hoặc giảm chi tiêu cho việc bảo trì theo thời gian”, Amy M. Jaffe, Uỷ viên cao cấp về Năng lượng và Môi trường tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết vào tuần trước.

Tuy nhiên, giá dầu chỉ tăng nhẹ vào thứ Hai. Ngay cả khi căng thẳng tiếp tục gia tăng, các thương nhân không quá quan tâm. “Thị trường phản ứng quá thờ ơ với tình hình căng thẳng ở Trung Đông là một sự phản ánh của một thị trường đã được cung cấp rất tốt nói chung và một thị trường rất thoải mái”, nhà phân tích hàng hóa của SEB -Bjarne Schieldrop cho biết. “Quan ngại đến sự tăng trưởng toàn cầu đang ở trong tâm trí của toàn bộ thị trường mọi lúc vào những ngày này”.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM