Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

“Hộ khiên” cho kinh tế châu Âu

Cuộc khủng hoảng kinh tế 2 năm trước đã khiến cả thế giới chao đảo. Hàng loạt các ngân hàng sụp đổ trong khi chính phủ các nước không ngừng tung các gói cứu trợ trị giá hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ USD để cứu nền kinh tế nước mình không bị cơn sóng thần khủng hoảng nhấn chìm. Các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU) đã choáng váng thực sự và mục tiêu cấp bách nhất vào thời điểm đó là làm sao ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tồi tệ nữa có thể xảy ra.

Mục tiêu đó đã được cụ thể hóa vào ngày 7-9 vừa qua, sau khi các bộ trưởng tài chính EU công bố bản kế hoạch thiết lập một cấu trúc giám sát tài chính mới trong khối. Theo đó, sẽ thành lập 3 cơ quan giám sát tài chính mới toàn EU để giám sát các ngân hàng, công ty bảo hiểm và những giao dịch trên thị trường. Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu sẽ đặt tại London (Anh). Paris (Pháp) sẽ có trụ sở của Cơ quan giám sát thị trường và chứng khoán châu Âu, cuối cùng Cơ quan quản lý hưu trí nghề nghiệp và bảo hiểm châu Âu đặt tại Frankfurt (Đức).

Dự kiến, Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua kế hoạch trên vào cuối tháng 9 này. Nếu đúng như tiến trình định sẵn, 3 cơ quan giám sát trên sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2011. Ngoài ra, một ban mới đánh giá rủi ro hệ thống tài chính và ngân hàng của châu Âu cũng sẽ được thiết lập và gắn liền với Ngân hàng Trung ương châu Âu để phát hiện những rủi ro đối với hệ thống tài chính nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Ông Michel Barnier, Ủy viên EU phụ trách quản lý thị trường, khẳng định các cơ quan mới sẽ giúp EU nhận biết, dự đoán được những rủi ro về tài chính, là công cụ kiểm soát tài chính chặt chẽ hơn và điều đó đồng nghĩa sẽ đưa ra những phản ứng kịp thời và chính xác hơn.

Năm 2009, khi kế hoạch thành lập các cơ quan giám sát tài chính được đưa ra, không ít tranh cãi đã nảy sinh. Nhiều tổ chức tài chính quan ngại rằng, việc EU thắt chặt kiểm soát sẽ khiến các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang hoạt động trong khối tìm đường đào thoát khỏi EU. Ngay cả những người đồng thuận với việc cần có các biện pháp quản lý tài chính chặt chẽ hơn cũng có đôi chút lo lắng rằng sẽ có những cản trở nhất định khi quá nhiều các nguyên tắc được đặt ra.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Trung tâm chính sách châu Âu, Fabian Zuleeg, cho rằng cuộc khủng hoảng tồi tệ đã giúp các thành phần kinh tế nhận ra tầm quan trọng của tấm “hộ khiên” cho kinh tế châu Âu. Trước khi có quyết định này, các điều chỉnh của từng quốc gia nhằm đối phó với cơn bão khủng hoảng không thành công, dẫn đến việc một số quốc gia phải đứng bên bờ vực phá sản như Hy Lạp hay đối mặt với các khoản nợ lớn như Italia, Bồ Đào Nha… Nói như ông Guido Ravoet, Tổng thư ký Liên minh Ngân hàng châu Âu, những điều chỉnh của châu Âu là một việc làm tốt cho thế giới. Có thể chúng không ngăn được các cuộc khủng hoảng trong tương lai nhưng giúp giảm thiểu được rủi ro và không còn rơi vào tình trạng hoảng loạn như 2 năm về trước.

Nguồn: sggp

ĐỌC THÊM