Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

5 yếu tố quan trọng cần theo dõi đối với thị trường dầu năm 2022

Năm 2021 là một năm phục hồi đáng kể đối với thị trường dầu cả về phía cung và cầu, nhờ nền kinh tế toàn cầu dần dần mở cửa trở lại sau Covid, quá trình tiêm chủng dẫn đến việc đi lại gia tăng và sự thiếu hụt khí tự nhiên, điều này làm thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô như một nhiên liệu thay thế.

Tính đến ngày 22/12, giá dầu WTI tăng 46,5% trong năm lên 71,10 USD/thùng, từ 48,52 USD/thùng lên mức giá cao nhất 85,41 USD/thùng, đây cũng là mức cao nhất trong 7 năm. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 43% tính đến cùng ngày, đạt 73,82 USD/thùng, chạm mức cao 86,70 USD/thùng từ mức thấp 50,56 USD/thùng.

Năm 2022 có thể là năm "hậu đại dịch" đối với thị trường dầu mỏ, vì nhiều người kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi 100% về mức trước Covid. Mặc dù điều đó mang lại sự hứa hẹn cho các nhà đầu tư dầu, nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn trong năm tới.

Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng có thể đóng vai trò quyết định đối với triển vọng thị trường dầu năm 2022.

1. Điều kiện thời tiết: Một mùa đông lạnh hơn có thể đẩy giá cao hơn

Giá một thùng dầu có thể đạt 100 đô la - hoặc hơn - trong quý đầu tiên của năm sau nếu thời tiết cực kỳ rét, chẳng hạn như mùa đông năm ngoái.

Vào tháng 2 năm 2021, mùa đông khắc nghiệt đã tàn phá nhiều vùng miền Nam nước Mỹ, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người mất điện, khi nhu cầu gia tăng đột ngột làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu cung.

"Mặc dù giá WTI có khả năng giao dịch trong khoảng từ 65 đến 90 đô la/thùng trong suốt năm tới, nhưng giá năng lượng này có thể đạt 100 đô la/thùng trong quý đầu tiên của năm nếu thời tiết cực kỳ lạnh, như đã từng chứng kiến vào mùa đông năm ngoái”, Ana Azuara, giám đốc Phân tích Kinh tế tại Grupo Financiero Base nhận định”.

2. Lo lắng về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đe dọa thị trường

Trong khi các mức đỉnh của năm 2020 đã đã qua, nhưng dịch Covid vẫn chưa kết thúc. Hai yếu tố có thể tiếp tục đe dọa tới việc đi lại của con người và kéo theo đó là, nhu cầu dầu: sự thúc đẩy quy trình tiêm chủng trên toàn cầu và sự xuất hiện của các biến thể Covid mới.

"Về phía nhu cầu, những lo ngại được cho là ​​sẽ tiếp diễn, ít nhất là cho đến khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Theo ước tính, 70% dân số thế giới sẽ cần được tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các biến thể có thể gây nguy hiểm cho hoạt động kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu năng lượng”, Azuara cho biết.

Chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra vào tuần cuối cùng của tháng 11 năm 2021 với sự xuất hiện của Omicron là đủ để thấy rủi ro do các biến thể gây ra.

"Trong những ngày kể từ ngày 26 tháng 11, tổng cộng 56 quốc gia đã đưa ra một số lệnh cấm đi lại nhằm 'đề phòng' chống lại Omicron", Ellen R. Wald, một nhà phân tích ngành năng lượng, nhận xét trong một bài báo về chủ đề này.

Các lệnh cấm đi lại mới có thể đồng nghĩa với những hạn chế mới đối với việc di chuyển của người dân và tạm dừng chuyến bay, do đó, dẫn đến các vấn đề về nhu cầu nhiên liệu đối với nhiên liệu và dầu.

3. Bóng ma của lạm phát

Lạm phát đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng trong năm 2021 và tác động của nó đối với thị trường dầu, đặc biệt là giá cả, là một trong những mối quan tâm mà các nhà giao dịch đang để mắt tới.

Tại Hoa Kỳ, lạm phát tăng nhanh đến mức chưa từng thấy trong gần 40 năm, đạt 6,8%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6 năm 1982, theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI); trong khi đó, chỉ số giá bán buôn của giá sản xuất đã tăng 9,6%. Cuối cùng, lo ngại về giá tăng đã đến với Cục Dự trữ Liên bang, trong cuộc họp cuối cùng của năm 2021 vào tháng 12, cơ quan này đã có kế hoạch tăng lãi suất ba đợt vào năm 2022.

Wald viết: “Khi lạm phát tăng, sẽ có một lực tăng tương ứng đối với giá dầu. Các nhà sản xuất dầu đang phải đối mặt với chi phí cao hơn cho mọi thứ, từ nhân công đến việc vận chuyển tới các vùng. Ngoài ra, giá trị của đồng đôla mà họ nhận được từ việc bán dầu cũng giảm. Do đó, mong muốn bán mỗi thùng dầu với nhiều đôla hơn tăng lên, tạo ra một áp lực tăng lên giá dầu. "

4. OPEC+ và nguồn cung tăng?

Cũng có những lo ngại nguồn cung dầu thô có thể tăng trong năm 2022, cùng với các vấn đề về nhu cầu, có thể gây bất lợi cho thị trường dầu mỏ.

"Theo IEA, sản lượng dầu trung bình trên toàn cầu trong năm 2022 sẽ đạt 101,41 triệu thùng/ngày, cao hơn 5,46 triệu thùng/ngày so với sản lượng trung bình vào năm 2021. OPEC sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu của mình, như họ đã tuyên bố rõ ràng, ngay cả với sự xuất hiện của biến thể Omicron”, Azuara giải thích.

OPEC+ vẫn lạc quan về triển vọng dầu cho năm 2022. Trong dự báo mới nhất của mình, tổ chức này dự đoán nhu cầu đạt 99,13 triệu thùng dầu/ngày trong quý 1 năm 2022, trước khi đạt mức trước đại dịch vào quý 3. OPEC+ đã đưa ra quan điểm rằng biến thể Omicron sẽ nhẹ và dự kiến ​​sẽ tăng nguồn cung trong suốt cả năm. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức khác vẫn coi rủi ro do Omicron gây ra là “rất cao”.

Và chắc chắn, vấn đề này sẽ là một yếu tố quyết định xu hướng giá trong quý đầu tiên của năm 2022.

5. Căng thẳng địa chính trị: Nga với Ukraine và Mỹ với Iran

Thị trường dầu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị khác, vốn sẽ tiếp tục là một rủi ro, bao gồm cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, cũng như mối quan hệ chính trị giữa Hoa Kỳ với Iran.

Nga cũng là một nước có vai trò quan trọng, đặc biệt là về khí đốt tự nhiên, và có khả năng ảnh hưởng đến giá dầu.

"Nga hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới và có khả năng phải đối mặt với một số biện pháp trừng phạt đối với dầu từ Hoa Kỳ do hành động quân sự ở châu Âu. (Nga cũng cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu, và cũng có một số đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Ukraine). Một cuộc xung đột liên quan đến Nga có thể khiến giá tăng vọt", Wald nói trong bài báo này.

***

Thị trường dầu năm 2022 có thể là năm thị trường dầu đi qua đại dịch với sự phục hồi hoàn toàn nhu cầu và cung để đáp ứng nhu cầu đó. Trong một báo cáo gần đây, EIA dự đoán "sự thoải mái" trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, với dự đoán rằng nguồn cung sẽ được cải thiện khi đối mặt với điều kiện nhu cầu tốt hơn.

Tuy nhiên, những yếu tố như đã đề cập ở trên có thể gây áp lực trở lại đối với giá năng lượng. Vì vậy, trong khi các nhà đầu tư dầu có lý do để lạc quan, vẫn còn một con đường không chắc chắn ở phía trước cho năm 2022.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM