Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

ADB: Các nền kinh tế châu Á cần nâng giá đồng tiền

Ngân hàng phát triển châu Á ADB đang thúc giục các nền kinh tế trong khu vực châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, cho phép nâng giá đồng tiền để giải quyết vấn đề dòng vốn lớn chảy vào khu vực và giữ mức lãi suất tăng chậm hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Châu Á đang phải đối mặt với rủi ro từ sự biến động của dòng vốn bởi tốc độ phát triển của khu vực vượt qua các nền kinh tế khác trên thế giới. Theo báo cáo kinh tế châu Á được ADB công bố hôm nay, nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng 7,9% trong năm 2010, cao hơn mức dự đoán 7,5% hồi tháng 4.

Theo ADB: “Các nền kinh tế châu Á nên nới lỏng các chính sách kích thích tiền tệ bằng cách kết hợp tăng giá đồng tiền và điều chỉnh lãi suất hơn là chỉ thông qua việc tăng lãi suất. Chiến lược này sẽ hỗ trợ nhu cầu nội đia, giải quyết áp lực lạm phát và giúp tái cân bằng nền kinh tế thế giới.”

Trong vài tuần gần đây, các ngân hàng trung ương từ Thái Lan cho tới Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc liên tục tăng lãi suất. Chính phủ các nước châu Á đã bơm vào nền kinh tế hơn 950 tỷ đô la sau khi suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu hàng hóa của khu vực này.

Theo ADB, các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Á có ít lý do để dừng các chính sách kích thích tài khóa trước khi giảm các chính sách tiền tệ vì phần lớn các nền kinh tế này không phải đối mặt với tình trạng ngân sách căng thẳng như các nền kinh tế phát triển.

Theo báo cáo của ADB, với sự phục hồi nhanh chóng của khu vực châu Á sau suy thoái kinh tế thế giới, việc nới lỏng các chính sách kích thích vĩ mô sẽ diễn ra tương đối nhanh. Tuy nhiên, những lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới có thể trì hoãn việc nới lỏng các chương trình kích thích. Điều này có thể tạo ra áp lực lạm phát ngày càng cao và những chính sách thắt chặt quyết liệt hơn trong tương lai.

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ và Malaysia đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay. Cũng trong tháng này, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã bất ngờ tăng lãi suất cơ bản. Tháng trước, Đài Loan cũng nâng lãi suất cơ bản thêm 12,5 điểm cơ bản và Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuần trước đã lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua.

Theo ADB, Hồng Kông, Indonesia, Phillipines và Việt Nam cũng cần sớm có các chính sách kích thích, trong đó Indonesia và Phillipines cần tăng lãi suất trong vòng 18 tháng tới, Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh kế hoạch chấm dứt kích thích nền kinh tế để kiềm chế lạm phát và ngăn chặn nguy cơ của một cuộc “hạ cánh khẩn cấp”.

Trong vòng 12 tới 18 tháng tới, lãi suất cần tăng phụ thuộc vào chính sách tỷ giá hối đoái, tình hình tài khóa và ảnh hưởng của lãi suất cao đối với tốc độ tăng trưởng. Động thái mới đây của Trung Quốc cho phép linh hoạt đồng NDT cho thấy tỷ giá hối đoái có thể tăng, giảm nhẹ áp lực lạm phát và làm chậm quá trình tăng lãi suất.

ADB cho rằng tốc độ tăng trưởng vượt bậc của khu vực châu Á sẽ khiến luồng vốn vào khu vực này tăng trở lại, gây ra áp lực lên việc quản lý giá tài sản, tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Tình hình tài chính bất ổn có thể gây ra những xáo động lớn tới luồng vốn vào các nền kinh tế mới nổi. Trong báo cáo được công bố hôm nay, ADB dự đoán tăng trưởng của 45 nền kinh tế khu vực châu Á sẽ ở mức 7,3% vào năm tới.

Khu vực châu Á sẽ phải đối mặt với môi trường bên ngoài rất nhạy cảm trong năm 2011, điều này có thể sẽ dẫn đến việc sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của khu vực, tác động tiêu cực tới tâm lý các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các nhà hoạch định chính sách sẽ không chấm dứt các chính sách kích thích cho tới khi sự phục hồi trở nên chắc chắn.

BusinessWeek

ĐỌC THÊM