Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Biến động giá dầu - thách thức lớn kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới đối mặt với thách thức lớn do biến động giá dầu, thậm chí vấn đề giá dầu đang trở thành một “Hy Lạp mới”.

Bộ phận dự báo của tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) nhận định biến động giá dầu đang trở thành thách thức lớn đối với kinh tế thế giới khi khủng hoảng khu vực Eurozone tạm lắng. Thậm chí vấn đề giá dầu đang trở thành một “Hy Lạp mới”. Giá dầu thô trung bình đạt 128 USD/thùng trong tháng 3/2012, chỉ thấp hơn 20 USD/thùng trong đợt cao điểm năm 2008 và tăng hơn 15% kể từ tháng 1/2012. Có một số nguyên nhân liên quan đến tình trạng này, đó là sự khan hiếm đã đẩy mức giá dầu tăng cao từ trước, nhu cầu tiêu thụ tăng cao ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là Iran, cũng làm cho giá dầu tăng. Nhiều ngân hàng lớn của thế giới đều đưa ra các dự báo về tình hình tăng giá dầu trong năm 2012 và 2013. IMF nhận định nếu như chiến tranh với Iran xảy ra, giá dầu sẽ tăng đột ngột 30% và đây sẽ là một cú sốc mạnh đối với nền kinh tế thế giới.

Việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cho dầu khí là một nhu cầu cấp bách: Spain vừa đưa vào hoạt động một trong những nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới


Sự tăng giá dầu sẽ làm cho các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nhiều hơn so với Mỹ, châu Âu. Tổ chức Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) nhận định các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, đã tăng chi phí nhập dầu thô và dầu mô đã chế biến từ 234 tỷ USD năm 2009 lên 329 tỷ năm 2010 và đạt mức kỷ lục 447 tỷ USD trong năm 2011. Nếu giá dầu thô chỉ tăng 1 USD/thùng cũng khiến hoá đơn nhập khẩu dầu thô của châu Á thâm thủng thêm 3,5 tỷ USD/tháng. Các nền kinh tế Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines sẽ chịu tác động nặng nề nhất do giá dầu thô tăng, thậm chí có thể làm tốc độ tăng GDP của mỗi nước này giảm 1% trong năm nay. Giá dầu tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2012 (dự kiến 7,5%).

Trước khả năng giá dầu có thể biến động mạnh, các nước Mỹ, Pháp, Anh đã xem xét khả năng mở kho dự trữ dầu chiến lược nhằm giảm giá dầu. Vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng hạt nhân, tiếp tục được quan tâm tại các diễn đàn quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc trong các ngày 26 - 27/3 nhấn mạnh sự cần thiết đảm bảo an ninh hạt nhân trong bối cảnh nhu cầu phát triển điện hạt nhân tăng mạnh để thích ứng biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng; một số nước như Nga và Pháp khẳng định trước mắt chưa thể có nguồn năng lượng khác để thay thế năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, theo một cuộc điều tra dư luận mới đây của tờ báo Tokyo, 80% người dân Nhật Bản tán thành chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân như một mục tiêu trung hạn. Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới nói “không” với năng lượng hạt nhân khi chính phủ nước này tháng 11 năm ngoái thông qua quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân theo một lộ trình từ nay đến 2022. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đồng thời phải đối mặt với việc tìm nguồn năng lượng thay thế, để bù vào 22% sản lượng điện năng được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân hiện nay.

Tại Indonesia, biểu tình của hơn 80.000 người và bạo động đã xảy ra ngày 28/3 vừa rồi để phản đối Quốc hội Indonesia thông qua kế hoạch tăng 33% giá nhiên liệu khi giá dầu thế giới tăng trong tương lai. Ngay sau đó, ngày 31/3, Quốc hội Indonesia đã bác kế hoạch này. Từ năm 2006, Indonesia đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu mỏ do nhu cầu vượt xa sản lượng khai thác được. Tình hình Indonesia gợi nhớ cuộc bạo loạn năm 1998, do bất bình với giá cả gia tăng, người dân trong nước đã góp phần dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Suharto.

Nguồn tin: Toquoc

ĐỌC THÊM