Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới

Nước Mỹ vẫn tranh luận có suy thoái hay không và điều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Mỹ không thoát khỏi tình trạng "u ám" như hiện nay?

Trung Quốc có những chuyển hướng lớn sau khi thực hiện điều chỉnh tỷ giá. Câu chuyện tăng trưởng kinh tế đã chuyển sang nội dung mới đó là chất lượng tăng trưởng và xu hướng đầu tư ra nước ngoài.

Nhật Bản đang tìm cách "sống chung" với đồng Yên tăng giá. Nếu tìm được lời giải phù hợp, kinh tế Nhật Bản sẽ có thay đổi khả quan.

Châu Âu trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu, chỉ có một điểm sáng là nước Đức với mức dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2010.

Mỹ: Tình trạng "giậm chân tại chỗ"  của kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi. Thất nghiệp vẫn tăng và có khả năng đạt hai chữ số vào cuối năm. Nếu dự báo của tập đoàn tài chính Bloomberg (Mỹ) là đúng thì 10-12% là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Thị trường bất động sản cũng không mấy khả quan, doanh số bán ra chỉ vào khoảng 4 triệu căn, giá nhà liên tục giảm và đạt mức 5,1%. Nếu gọi đây là đợt suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ cũng không sai.

Trong lĩnh vực tài chính  - tiền tệ, sự không chắc chắn của kinh tế Mỹ đã phản ánh rõ nét trên sàn chứng khoán. Kết thúc ngày giao dịch 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 39.21 điểm (0.38%) xuống 10,174.41 điểm, chỉ số S&P 500 mất 4.33 điểm (0.4%) xuống 1,067.36 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 20.13 điểm (0.92%) xuống 2,159.63 điểm.

Sự sụt giảm về điểm số kéo theo sụt giảm về thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên ba sàn New York, American và Nasdaq chỉ 5.99 tỷ cổ phiếu. Nếu so với mức trung bình của năm 2010 thì sự suy giảm có thể gọi là cực lớn (5.99 tỷ/9.65 tỷ cổ phiếu).

Thực sự khó lý giải tình trạng kinh tế Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Sự "bất thường" được các nhà kinh tế nổi tiếng Friedman (tác giả cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng) và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke sử dụng để phản ánh kinh tế Mỹ khi vận động không theo qui luật nào cả.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng kém trong giai đoạn hiện nay đa số nhận định có nguyên nhân về cấu trúc kinh tế Mỹ, không phải do yếu tố chu kỳ gây nên.

Phân tích tại sao cấu trúc kinh tế Mỹ lại là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kém là một câu chuyện dài, nhưng tăng trưởng dựa trên vốn vay (trong đó vốn vay ở nước ngoài chiếm tỷ lệ không nhỏ) và thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục là thực tế ai cũng nhận thấy. Điều này phản ánh tính không bền vững của kinh tế Mỹ hiện nay.

Theo số liệu đã công bố, nợ hiện nay của Mỹ đã đạt tới 12.700 tỷ USD và có khả năng sau 10 năm sau, Mỹ sẽ tăng thêm 10.000 tỷ USD, thậm chí còn nhiều hơn.

Thật bất ngờ nếu chúng ta đọc những từ đầy bi quan khi nói về nước Mỹ hiện nay. Ông Laurence Kotlikoff, giáo sư kinh tế của trường Đại học Boston trong một bài viết cho rằng: Nước Mỹ đã phá sản mà thị trường không hay biết. Hơn thế nữa suy nghĩ này ông Laurence Kotlikoff đã nhận định từ năm 2006.

Trung Quốc: Trong bối  cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang trong giai đoạn "cầm cự" hoặc tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Trung Quốc với đặc điểm riêng có của mình đã đạt mức tăng trưởng hết sức thuyết phục trong thời gian dài.

Nếu nói Trung Quốc là cường quốc kinh tế, điều này hoàn toàn đúng. Nếu nói Trung Quốc là một trung tâm kinh tế cũng không sai. Nếu nói Trung Quốc là một cực tăng trưởng của kinh tế thế giới có lẽ là phù hợp nhất.

Câu chuyện của kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là chất lượng tăng trưởng. Trung Quốc có lẽ hiểu chất lượng tăng trưởng của mình hơn ai hết. Chất lượng tăng trưởng không phải lúc nào cũng song hành với số lượng tăng trưởng.

Chia sẻ điều này, một lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Dịch Cương cũng phải thừa nhận “Vấn đề hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc chính là chất lượng tăng trưởng”.

Muốn thay đổi chất lượng tăng trưởng, Trung Quốc cần xử lý các vấn đề lớn như: mối tương quan giữa GDP với đầu tư (chiếm khoảng 42%GDP); phương pháp tính GDP (tính cả giá trị đường, nhà); các khoản nợ xấu; chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, ô nhiễm môi trường...

Là quốc gia có thặng dư thương mại lớn, thời gian qua Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Trong những lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, có lẽ đầu tư vào các cơ sở tài nguyên (dầu khí và các nguyên liệu chiến lược khác) và mua trái phiếu là điểm sáng nhất.

Ngày nay sự hiện diện của các công ty Trung Quốc tại các mỏ dầu khí ở Trung Á, ở Châu Phi và cả Châu Âu đã không còn là sự bất ngờ như những năm trước kia. Sự cạnh tranh từ Trung Quốc trong từng thương vụ cụ thể cũng rất đáng gờm, không thể xem nhẹ.

Về đầu tư trái phiếu, tuy vẫn giữ vị trí tốp đầu đối với trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế Mỹ chưa rõ ràng, Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng sang mua đồng Yên (Nhật) khi đồng Yên liên tục tăng giá. Đây là giải pháp khôn ngoan không chỉ đa dạng hóa ngoại tệ mà còn là lĩnh vực đầu tư tài chính rất hiệu quả. Nhật Bản có thể lo khi đồng Yên lên cao nhưng Trung Quốc lại không nghĩ như vậy.

Châu Âu: Một trung tâm kinh tế với nhiều cung bậc phát triển vẫn trung thành với cắt giảm ngân sách để hạn chế nợ công.

Để theo dõi sát sao hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Ban ổn định tài chính (FSB) đã công bố báo cáo về các tiêu chuẩn mới về vốn ngân hàng và thanh khoản. Quy chế mới hướng đến việc siết chặt tín dụng và giảm đầu tư trong thời kỳ chuyển tiếp xuống mức độ thấp hơn nhiều so với dự báo của các ngân hàng.

Tuy nhiên việc siết chặt tín dụng và giảm đầu tư cũng không phải không có "tác dụng phụ" cho kinh tế khu vực Eurozone.

Chủ nhân giải Nobel Kinh tế, nhà kinh tế nổi tiếng, Joseph Stiglitz cảnh báo nền kinh tế châu Âu đang đứng trước nguy cơ rất lớn rơi trở lại vào tình trạng suy thoái sau một thời ngắn phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông Stiglitz cho rằng tình trạng được gọi là “suy thoái kép” này đã xuất hiện khi các chính phủ châu Âu cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách khiến các công ty đồng loạt cắt giảm việc làm.

Cùng với nhận định trên, Trưởng bộ phận phân tích thuộc hãng Zerich Capital Management, ông Nicholas Podlevskikh cho rằng, cắt giảm thâm hụt ngân sách tại châu Âu sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm.

Trong bối cảnh u ám như vậy, Nước Đức đã trở thành điểm sáng, GDP quý I năm nay tăng 0,2%, sang quý II tăng 2,2%, biên độ tăng lớn nhất trong 20 năm qua. Nếu nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế, nước Đức không chỉ nổi bật nhất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, mà còn lớn hơn cả Mỹ, Anh và Nhật Bản.

Nhật Bản: Đồng Yên lên giá là chủ đề được bàn thảo không chỉ tại Nhật Bản mà cả thế giới. Tại phiên giao dịch ngoại tệ 24/8, đồng Yen leo lên mức cao nhất trong vòng 15 năm so với USD (84,34 Yên/USD) và cao nhất trong 9 năm so với Euro (106,14 Yên/Euro).

Thừa nhận việc đồng Yên tăng giá ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng quan điểm của Nhật Bản hiện nay vẫn dừng ở mức đang theo dõi thị trường tiền tệ và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với ngân hàng trung ương về các vấn đề kinh tế, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda.

Trong khi Nhật Bản chưa có động thái can thiệp sự lên giá của đồng Yên, thì trong tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã mua 456,4 tỷ Yên (5,3 tỷ USD) trái phiếu, sau khi đã mua vào một lượng trái phiếu kỷ lục trị giá 735,2 tỷ Yên trong tháng 5.

Trung Quốc là nước sở hữu lớn tiền tệ của Nhật Bản, nhưng  Anh quốc mới là quốc gia sở hữu dự trữ đồng yên lớn nhất thế giới. Năm ngoái, quốc gia này đã mua 26.300 tỷ Yen và đầu tư thêm 18.300 tỷ Yen trong năm nay. Ai hưởng lợi thông qua việc đồng Yên tăng giá, nước Nhật chưa chắc nhưng Trung Quốc và nước Anh lợi nhuận đã rõ.

Kinh tế thế giới hiện nay có thể đang đi trên con đường quanh co, khúc khuỷ, tốc độ giảm ở mức thấp nhất. Điều đó là không vui khi con đường này vẫn còn dài.

Nguồn: stockbiz

ĐỌC THÊM