Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Châu Âu "thừa sức" thoát khỏi khủng hoảng nợ

Đám mây đen của nợ đang bao phủ châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ đang bao trùm lên lĩnh vực kinh tế, tài chính và được coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng 53 năm qua tại châu Âu. Điều này một lần nữa khiến thế giới nghi ngờ về khả năng hoạt động của Liên minh châu Âu (EU) và đặt ra câu hỏi, liệu EU có thể vượt qua được giai đoạn này hay không?

Cuộc khủng hoảng nợ đã kéo EU vào “vùng nước sâu với các rạn san hô ẩn”. Đó là những khó khăn tài chính và kinh tế, xung đột xã hội leo thang, hạ tầng cơ sở không đầy đủ, thiếu sót trong các mô hình phát triển và những rắc rối mà EU hiện giờ đang phải đối mặt.

Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ có thể sâu hơn và lan rộng hơn nhưng tình hình không quá nghiêm trọng. Châu Âu có một nền tảng chắc chắn. Trong suốt quá trình lịch sử, liên minh này chưa bao giờ từ bỏ việc theo đuổi mục tiêu tự vươn lên thông qua việc thống nhất. Nhà viết kịch nổi tiếng của Pháp Victor Hugo đã từng viết: “Đến một ngày, sớm hay muộn, tất cả các nước châu Âu với những đặc tính riêng biệt, sẽ thống nhất chặt chẽ thành một khối và phát triển tới mức cao hơn.”

Ý tưởng về phong trào liên bang bắt nguồn ở châu Âu trong thế kỷ 18 và trong hơn ba thế kỷ đã trở thành dấu ấn quan trọng tại lục địa này. Đây là lý do cơ bản giải thích tại sao quá trình thống nhất của châu Âu không bị ngắt quãng, mặc dù không ngừng xảy ra các cuộc khủng hoảng tại lục địa này.

Các nước châu Âu đang dần nhận ra rằng, chỉ có thống nhất mới giúp châu Âu tìm được chỗ đứng tốt hơn trên thế giới trong thế kỷ 21 và đáp ứng được lợi ích của các nước thành viên một cách tốt nhất. Châu Âu không sẵn sàng quay lại thời gian, khi mà các quốc gia thành viên cạnh tranh trong việc giảm giá tiền tệ trước khi đồng euro ra đời.

“Cái chết” của thị trường thống nhất sẽ không có lợi cho ai. Không một quốc gia nào trong số 27 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước khác nếu EU tan rã. Gần đây, trong một nỗ lực lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro. Đây là tín hiệu rõ ràng trong quyết tâm khắc phục khủng hoảng nợ của EU và qua đó người dân tại khu vực này có thể nhìn thấy hy vọng.

Thay vì khiến EU tan rã, nếu cuộc khủng hoảng nợ được xử lý tốt, thậm chí có thể tạo ra cơ hội mới cho EU. Cuộc khủng hoảng nợ phản ánh quá trình phát triển, khả năng tăng cường phối hợp nội bộ, hoàn thiện cơ chế và điều chỉnh cơ cấu kinh tế của EU. Tất cả điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc thành lập “chính phủ kinh tế” và thực hiện các mục tiêu khác.

Cuộc khủng hoảng nợ cũng khiến EU tập trung hơn vào liên minh. Một số nhà bình luận tin rằng, việc thống nhất châu Âu sẽ ngày càng được ủng hộ nhiều hơn. Bên cạnh đó, EU có tiềm năng lớn, khả năng cạnh tranh độc đáo và không dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Lợi thế của EU là có một loại tiền tệ chung ổn định nhất thế giới, một thị trường năng động, cơ sở hạ tầng tốt, trình độ văn hóa cao, lịch sử lâu đời, các di sản, văn hóa và chất lượng cuộc sống cao.

Tất cả những lợi thế đó đem lại cho châu Âu những thuận lợi trong cạnh tranh toàn cầu. Đầu năm nay, EU đã ban hành Chiến lược EU 2020, trong đó EU đặt mục tiêu 10 năm “tăng trưởng thông minh”, “tăng trưởng xanh” và “tăng trưởng toàn diện”. Đó là những mục tiêu trong tầm với của liên minh này.

Lịch sử cho thấy rằng, khi mọi thứ dường như không thể đảo ngược, châu Âu luôn tìm được lối ra để tồn tại và thậm chí có thêm động lực để đạt được nhiều hơn thế. Việc EU có thể biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội lần nữa hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, cách phối hợp lợi ích giữa các nước thành viên và hành động thế nào để giúp liên minh này phát triển bền vững và hiệu quả.

Chinadaily

ĐỌC THÊM