Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chỉ cần TQ giảm tốc thêm 2 điểm%, thế giới rơi vào suy thoái

Theo ông Ruchir Sharma, Trưởng bộ phận các thị trường mới nổi tại Công ty Quản lý Đầu tư Morgan Stanley Investment Management, chỉ cần kinh tế Trung Quốc giảm tốc thêm 2 điểm phần trăm nữa là đủ đẩy thế giới rơi vào suy thoái.

Cuộc suy thoái kinh tế Trung Quốc đang kìm hãm sự phục hồi kinh tế của các thị trường châu Âu và điều này đang buộc các Ngân hàng Trung ương trong khu vực Euro phải bơm nhiều tiền vào hệ thống tài chính.

Vào ngày 3.9, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của  khu vực Euro trong năm nay và năm tới. Dấu hiệu này cho thấy nhu cầu từ phía Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi đang suy giảm mạnh.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi cho biết, giá tiêu dùng ở khu vực châu Âu bao gồm 19 quốc gia sẽ gia tăng 0,1% trong năm nay. Giảm phát thậm chí có thể quay trở lại trong một thời gian ngắn do giá dầu giảm.

"Chúng ta có thể thấy những con số âm về lạm phát trong những tháng tới”, ông Draghi phát biểu trước báo giới.

Sau khi cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, ông Draghi đã đưa ra một chương trình kích thích kinh tế lớn vào hồi đầu năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
ECB đã mua 60 tỷ euro trái phiếu chính phủ và các tài sản khác vào hồi tháng 3 năm nay. Ông cho biết, ECB có thể mở rộng phạm vi mua tài sản và kéo dài chương trình nếu cần thiết.
Tuy nhiên, quyết định này vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường Trung Quốc, một quốc gia vừa vỡ bong bóng chứng khoán vào hồi tháng 6 vừa qua.

Theo đó, ông Draghi hy vọng có thể lắng nghe các quan chức Trung Quốc trần tình rõ ràng hơn về diễn biến của quốc gia này trong cuộc họp của G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này.

"Chúng tôi nhận thấy một sự suy yếu trong triển vọng kinh tế Trung Quốc. Để biết nguồn gốc của sự thay đổi này là gì và liệu rằng đây là hiện tượng nhất thời hay kéo dài mãi mãi?... Chúng tôi hy vọng sẽ biết được tất cả các giải đáp từ phía Trung Quốc trong cuộc họp của G20”, ông Draghi cho biết thêm.

Về phía nền kinh tế toàn cầu, nhân tố Trung Quốc sẽ có tác động ra sao? Vào hồi tháng 7, ông Ruchir Sharma, Trưởng bộ phận các thị trường mới nổi tại Công ty Quản lý Đầu tư Morgan Stanley Investment Management nhận định, việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong những năm tới có thể kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống dưới mức 2%, đây có thể gọi là ngưỡng cửa của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Trong vòng hai năm tới, Trung Quốc có thể sẽ là nguồn rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông Sharma cho biết.

Theo ông Sharma, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc bởi quốc gia này đang gặp thách thức trong việc giảm nợ. Chỉ cần kinh tế Trung Quốc giảm tốc thêm 2 điểm phần trăm nữa là đủ đẩy thế giới rơi vào suy thoái.

Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống còn 3,3%, từ mức dự báo 3,5% đưa ra hồi tháng 4, trên cơ sở kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu.

IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6,8% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn trong quá trình dịch chuyển kinh tế của Trung Quốc sang một mô hình tăng trưởng mới sẽ đặt ra rủi ro đối với sự phục hồi toàn cầu.


Bởi Một Thế Giới

ĐỌC THÊM