Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

CPI tháng 7 tăng ở mức “an toàn”

 Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại giá hàng hóa sẽ “té nước theo xăng” và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2013 cũng sẽ bị ảnh hưởng.


Tháng 8 mới tăng rõ rệt


Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24/7, CPI tháng 7/2013 tăng 0,27% so với tháng 6/2013. Đây được xem là mức tăng mạnh nhất trong vòng gần nửa năm qua. Tuy nhiên nếu tính chung 7 tháng đầu năm nay, CPI có mức tăng là 2,68%. Con số này vẫn khá "an toàn" so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 6,81% của năm nay.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong 5 tháng. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trao đổi với phóng viên Tin Tức chiều 24/7, TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: CPI tháng 7/2013 tăng ở mức khá cao do tác động bởi nhiều yếu tố như: giá xăng, giá thực phẩm tăng, điều chỉnh tăng viện phí của một số địa phương… Những lần tăng giá xăng dầu trước đây tác động tới giá cả thị trường không mạnh là do sức mua vẫn còn yếu nên tình trạng tăng giá hàng hóa theo kiểu “té nước theo mưa” được hạn chế.


Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết: Hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 14/6 và 28/6 vừa qua đã làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,38% so với tháng 6 và nhóm này đã đóng góp vào CPI chung 0,09%. Bên cạnh đó, tháng 7/2013 là tháng trùng với kỳ thi đại học của cả nước và là tháng có nhiều hộ gia đình cho con em đi du lịch hè nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, giải khát, đi lại, chỗ ở tăng cao khiến cho giá cả nhiều nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung tăng giá, góp phần đẩy CPI chung tăng lên.


Ông Nguyễn Đức Thắng dự đoán: CPI tháng 7 chỉ tăng 0,27% so với tháng 6 nhưng CPI tháng 8 tới đây sẽ có mức tăng cao hơn rõ rệt khi Hà Nội thực hiện tăng giá 712 loại dịch vụ y tế từ ngày 1/8 với mức điều chỉnh bằng 75% mức trần theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, do thống kê CPI thường “chốt” vào ngày 15 hàng tháng và cập nhật sau đó 5 ngày nên tác động của lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 17/7 vừa qua với mức tăng 500 đồng/lít đối với các sản phẩm xăng dầu chỉ thực sự phản ánh rõ nhất trong thống kê CPI tháng 8.


Giá thực phẩm tăng nhẹ


Điểm đáng lưu ý nhất trong diễn biến của giá tiêu dùng tháng 7/2013 là chỉ số giá mặt hàng thực phẩm. Sau 4 tháng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chỉ số giá thực phẩm đã tăng 0,18% so với tháng trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thị trường, mức tăng giá thực phẩm không lớn.


Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức tại các chợ lẻ ở TP Hồ Chí Minh như: Thị Nghè (Bình Thạnh) Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), Thủ Đức (Thủ Đức), Tây Hòa (quận 9), Tân Định (quận 1), một số mặt hàng thủy hải sản và rau xanh đã tăng. Nếu như cá diêu hồng trước đó có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 55.000 - 60.000 đồng/kg; tôm nuôi từ 140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, tôm sú từ 220.000 đồng/kg lên 230.000 đồng/kg… Một số loại rau xanh như: rau muống, rau tần ô và các loại rau ăn sống cũng tăng nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, các loại thủy hải sản và rau xanh tăng giá thì mặt hàng thịt gia súc, gia cầm vẫn ổn định. Theo các tiểu thương, sở dĩ một số loại rau tăng giá một phần do chi phí vận chuyển tăng; mưa liên tiếp nhiều ngày khiến lượng hàng khan hiếm. Còn thủy hải sản tăng giá mạnh là do chi phí vận chuyển, bảo quản và đánh bắt tốn kém hơn kể từ khi giá xăng dầu tăng.


Tương tự tại một số chợ ở Hà Nội, giá một số loại thực phẩm và rau cũng tăng. Nếu như trước kia, cá rô phi có giá 45.000 đồng/kg thì nay là 50.000 đồng/kg; thịt bò thăn lên mức 270.000 đồng/kg (tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng trước)…


Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho rằng: “Giá các loại rau xanh, củ quả không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng dầu tăng, mà chủ yếu chịu tác động của cung - cầu hàng hóa trên thị trường”.


Sức ép tăng giá vận tải


Việc tăng giá xăng dầu liên tục trong thời gian qua đã gây sức ép lớn tới các doanh nghiệp vận tải. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, trong công thức tính giá cước vận tải, giá nhiên liệu chiếm 50% giá thành. Do đó, các doanh nghiệp vận tải đang đàm phán và ký lại với khách hàng về hợp đồng vận chuyển, xe khách liên tỉnh đang lên bảng giá mới. Hiệp hội đang tính toán công bố mức tăng giá cước đảm bảo phù hợp với giá xăng tăng và không ảnh hưởng nhiều đến các hợp đồng đã ký.


Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình chia sẻ: Các doanh nghiệp không hề muốn tăng giá cước, vì nếu tăng giá cước nhiều trong bối cảnh kinh tế thắt chặt như hiện nay sẽ khiến lượng khách đã giảm lại càng ít hơn. 
“Theo chỉ đạo của lãnh đạo doanh nghiệp, giá cước taxi vẫn chưa điều chỉnh tăng, để tránh “sốc” cho hành khách. Nhưng thực tế này chắc cũng không duy trì được lâu, vì chi phí đầu vào cao đang khiến công ty không thể chịu đựng được. Trong khi đó, việc cạnh tranh giữa các hãng taxi hiện nay rất gay gắt, rất dễ mất khách. Tuy nhiên, việc đuổi theo giá xăng cũng mệt, mà không thể lúc nào cũng tăng giá được”, anh Nguyễn Đức Bình, lái xe taxi Thăng Long chia sẻ.


Tổng thư kí Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh Thái Văn Chung cho biết: “Tạm thời các doanh nghiệp vẫn đang phải ‘gánh’ giá xăng dầu tăng mà chưa thể điều chỉnh, bởi quy trình điều chỉnh giá cước rất khó khăn và phức tạp. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp vận tải đều đã ký hợp đồng dài hạn với khách hàng nên trước mắt doanh nghiệp vận tải vẫn phải chạy theo đúng với hợp đồng dù giá xăng dầu đã điều chỉnh nhiều lần”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Việc tăng giá xăng vừa qua chắc chắn ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa vì đã làm tăng giá thành sản xuất. Có những mặt hàng sẽ tăng, có mặt hàng “cắn răng” chưa tăng nhưng khi tăng sẽ dồn dập. Với hoàn cảnh hiện nay, doanh nghiệp tăng giá cũng chết, không tăng cũng chết. Thực tế này sẽ gây ra đình trệ cả sản xuất lẫn phân phối. Trong khi đó, giá điện lại nhấp nhổm tăng. Đây là những điều đáng lo ngại cho cả sản xuất và tiêu dùng thời gian tới.

Nguồn tin: Tintuc

ĐỌC THÊM