Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đã đến lúc bùng nổ dầu khí ở châu Phi

Một số quốc gia châu Phi đã dần tăng sản lượng dầu và khí đốt trong năm qua, khi nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tiếp tục gia tăng. Trong khi nhiều quốc gia ở phương Tây đang hạn chế các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thì khu vực châu Phi đang mang đến cho các công ty dầu mỏ lớn cơ hội phát triển các hoạt động khai thác dầu hàm lượng carbon thấp mới ở những khu vực phần lớn chưa được khai thác.

Nhưng liệu các chính phủ muốn phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ có thể chứng tỏ là mình đúng tại hội nghị COP27 không? Một số nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Phi dự kiến ​​sẽ trình các dự án nhiên liệu hóa thạch mới để tiến hành trên khắp châu lục này tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu tiếp theo vào tháng 11, theo các nguồn tin truyền thông. Châu Phi đang cho thế giới tiếp cận với các nguồn khí đốt quan trọng tại thời điểm nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cả tăng cao. Ngoài ra, trữ lượng dầu lớn chưa được phát hiện của châu Phi có thể cung cấp cho thế giới nguồn tài nguyên cacbon thấp cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Nhưng với việc nhiều nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, không chắc liệu các nhà lãnh đạo này có thuyết phục được phần còn lại của thế giới cần tới dầu và khí đốt của châu Phi hay không.

Theo Guardian, một tài liệu dài 5 trang của Liên minh châu Phi nêu bật sự hỗ trợ phát triển các hoạt động khai thác dầu khí ở hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ được trình bày tại COP27. Trong tài liệu này, Liên minh cho biết: “Trong ngắn và trung hạn, nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí tự nhiên sẽ phải đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng hiện đại bên cạnh đẩy nhanh việc tiêu thụ năng lượng tái tạo”.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng về lập trường của các nhà lãnh đạo châu Phi, khi một liên minh các tổ chức phi chính phủ châu Phi gọi hành động của họ là “đáng xấu hổ” và “không thể chấp nhận được”. Các nhà hoạt động môi trường nhấn mạnh tiềm năng đáng kể cho việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn trên khắp lục địa châu Phi, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nhiều người lo ngại rằng các hành động được thực hiện tại COP27 có thể dẫn đến một tương lai của châu Phi trở nên phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thay vì là một phần của quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu.

Tuy nhiên, giá dầu và khí đốt tăng nhanh gần đây đã khiến nhiều quốc gia phải đánh giá lại quan điểm của mình đối với dầu khí, khi một số nước phải thúc đẩy sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Khi E.U. và Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga, nhiều chính phủ đang phải chuyển hướng khác để lấp đầy khoảng trống. Ngoài ra, E.U. đã công bố như một phần của chiến lược chống biến đổi khí hậu trong năm nay rằng khối sẽ tiếp tục dựa vào khí đốt tự nhiên như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch hơn, khi khu vực này rời xa than đá và dầu thô.

Đây không phải là lần đầu tiên châu Phi thể hiện tiềm năng của mình như một khu vực dầu mỏ mới với phần còn lại của thế giới. Sau một số diễn biến về nhiên liệu hóa thạch trong vài năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã tuyên bố ủng hộ ngành công nghiệp này. Lập luận chủ yếu xoay quanh ý kiến ​​cho rằng nhiều quốc gia phát triển đã thu được lợi nhuận từ dầu khí, khiến châu Phi bị bỏ lại phía sau, và bây giờ là lúc khu vực này thu lợi từ các nguồn tài nguyên và phát triển nền kinh tế của mình.

Vậy làm thế nào để khu vực châu Phi có thể tự định vị để đảm bảo rằng họ thu được lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình vào thời điểm thế giới dường như đang quay lưng lại với các dự án nhiên liệu hóa thạch mới? Nghiên cứu của McKinsey cho thấy rằng nhiều hoạt động khai thác dầu khí hiện tại của châu Phi đắt hơn mức trung bình toàn cầu, khiến các công ty năng lượng không muốn đầu tư vào khu vực này. Tuy nhiên, nghiên cứu của họ cho thấy ba chiều hướng có thể giúp châu Phi định vị tốt hơn trên thị trường dầu khí trong những thập kỷ tới.

Thứ nhất, khu vực này phải nỗ lực cho hoạt động khử cacbon trong khi nâng cao hiệu quả chi phí. Để đảm bảo rằng châu Phi vẫn hấp dẫn đối với đầu tư năng lượng, khu vực này phải giảm lượng khí thải được tạo ra trong các hoạt động khai thác dầu khí của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc ra mắt công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS). Khu vực này có tiềm năng giảm hàng loạt khí đốt và các chất thải khác để được tái chế và tái sử dụng trong các dự án khác, chẳng hạn như sản xuất hydro xám. Ngoài ra, chính phủ các nước phải tăng cường luật pháp và các quy định về ngành năng lượng để cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí của các hoạt động, tập trung vào sự kém hiệu quả và mất an toàn.

Thứ hai, châu Phi nên tăng cường cung cấp năng lượng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng các-bon thấp hơn. Nhiều ông lớn đang rút khỏi các dự án dầu hiện có để chuyển sang các giải pháp thay thế cacbon thấp. Khi các lưu vực đã được khai thác từ lâu đang cạn kiệt, rất nhiều công ty dầu khí đang tìm đến các khu vực chưa được khai thác để phát triển các hoạt động carbon thấp thuận lợi hơn ở những khu vực có triển vọng kéo dài dự án hơn. Đầu tư vào các dự án khí đốt, bao gồm đường ống dẫn khí đốt, cơ sở hạ tầng xử lý, và khí hóa lỏng (LPG), cũng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo toàn cầu, vì nhu cầu khí đốt tự nhiên dự kiến ​​sẽ vẫn cao trong nhiều thập kỷ tới.

Và cuối cùng, các quốc gia trên khắp châu Phi phải tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Khi các quốc gia châu Phi thấy sự giàu có từ dầu mỏ tăng lên, họ phải đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo cùng với các hoạt động khai thác dầu khí để cuối cùng chuyển sự phụ thuộc ra khỏi nhiên liệu hóa thạch hữu hạn.

Khu vực châu Phi có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch vào thời điểm nhu cầu vẫn cao và thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Nếu được thực hiện hiệu quả, khu vực này có thể trở nên tự cung tự cấp hơn, cũng như xuất khẩu năng lượng sang phần còn lại của thế giới để giúp phát triển nền kinh tế quốc gia của mình. Tuy nhiên, với việc thế giới đang rời xa dầu và khí đốt để chuyển sang các giải pháp thay thế có thể tái tạo, không chắc liệu các nhà lãnh đạo châu Phi có thành công trong nỗ lực thuyết phục các đại diện tại COP27 về sự cần thiết của dầu và khí đốt đến từ châu Phi hay không.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM