Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dầu Mỹ đang cướp thị phần từ OPEC+

Sản lượng dầu của Mỹ tăng và dòng dầu toàn cầu dịch chuyển trong bối cảnh bùng nổ địa chính trị đã thúc đẩy xuất khẩu dầu thô của Mỹ lên mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây. Hiện dầu của Mỹ đang xâm nhập vào các thị trường trọng điểm của nhóm OPEC+, vốn đang hạn chế nguồn cung nhằm nỗ lực thúc đẩy giá dầu.

Từ châu Âu đến châu Á, người mua đang mua dầu thô của Mỹ nhiều hơn do các lệnh trừng phạt Nga và sự không chắc chắn về việc gia hạn nới lỏng trừng phạt của Venezuela đang khiến các nhà máy lọc dầu lo lắng về việc nhập khẩu dầu thô của Nga và Venezuela. Châu Âu cũng đã chuyển sang mua nhiều dầu của Mỹ hơn do các chuyến hàng từ châu Á hiện mất nhiều thời gian hơn để vận chuyển. Do các cuộc tấn công của Houthi nhắm vào hoạt động vận chuyển thương mại, các tàu chở dầu chủ yếu đang tránh tuyến Biển Đỏ/Kênh Suez – tuyến đường vận chuyển nhanh nhất từ châu Á đến châu Âu – và đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng, Châu Phi.

Xuất khẩu của Hoa Kỳ cao kỷ lục

Khi sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ bất chấp dự báo về tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm ngoái và đạt mức cao mới, một lần nữa, xuất khẩu từ Mỹ lại tăng - lên mức cao kỷ lục kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu hầu hết dầu thô của Hoa Kỳ được dỡ bỏ vào năm 2015.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt trung bình cao kỷ lục là 4,1 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, tăng 13% hay 482.000 thùng/ngày so với kỷ lục trước đó được thiết lập một năm trước đó vào năm 2022, dữ liệu từ Cơ quan quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy vào tháng trước. Ngoại trừ năm 2021, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng hàng năm kể từ khi lệnh cấm đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu được dỡ bỏ vào năm 2015.

Khi sản lượng dầu của Mỹ tăng 9% trong năm lên mức cao kỷ lục 12,9 triệu thùng/ngày và do nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ được thiết kế để sử dụng dầu thô nặng và chua hơn, lượng dầu thô ngọt nhẹ dư thừa từ đá phiến đã tìm thấy nhiều người mua hơn ở nước ngoài. EIA lưu ý rằng do phần lớn sản lượng dầu thô của Mỹ là dầu thô nhẹ, ngọt nên đã tạo ra động lực xuất khẩu cho những người tham gia thị trường.

Đồng thời, OPEC+ tiếp tục hạn chế nguồn cung để khôi phục “sự ổn định của thị trường”, hay nói cách khác là hỗ trợ giá dầu thô.

Gary Ross, một nhà tư vấn dầu mỏ đã trở thành nhà quản lý quỹ phòng hộ tại Black Gold Investor, nói với Bloomberg: “Sản lượng của Mỹ đang tăng lên trong khi sản lượng của OPEC và Nga đang giảm - vì vậy, theo định nghĩa, Mỹ sẽ có nhiều thị phần hơn”.

Hoa Kỳ tăng thị phần ở châu Âu và Ấn Độ

Năm ngoái, châu Âu đã trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Mỹ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nhà sản xuất OPEC+ là Nga vì hành động xâm lược Ukraine.

Việc đưa dầu thô West Texas Intermediate (WTI) vào giá Dated Brent cũng thúc đẩy việc mua loại dầu thô này của Mỹ.

Dầu thô WTI được dùng để định giá Dated Brent được giao đến Rotterdam, một trung tâm giao dịch và lưu trữ dầu thô lớn ở Hà Lan. Do đó, Hà Lan nhận được nhiều dầu thô được xuất khẩu của Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào năm 2023, đạt trung bình 652.000 thùng/ngày, theo ước tính của EIA.

Như vậy tổng cộng, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu đạt trung bình 1 0,8 triệu thùng/ngày trong năm ngoái, nhiều hơn một chút so với xuất khẩu của Mỹ sang Châu Á và Châu Đại Dương là 1,7 triệu thùng/ngày. Dầu thô Mỹ đã thay thế một phần lớn dầu thô Nga mà châu Âu nhập khẩu trước năm 2022.

Sau Hà Lan, thị trường dầu thô lớn thứ hai của Mỹ là Trung Quốc, với lượng nhập khẩu từ Mỹ đạt trung bình 452.000 thùng/ngày, nhiều hơn gấp đôi khối lượng năm 2022, ước tính của EIA cho thấy.

Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều dầu của Nga hơn vào năm ngoái, vì đây là nước mua dầu thô lớn nhất của Nga và phải tìm thị trường mới sau khi các thị trường phương Tây hiện quay lưng đối với dầu của Moscow.

Ấn Độ cũng tiêu thụ dầu thô rẻ hơn của Nga vào cuối năm 2022 và hầu hết năm 2023, nhưng đã giảm nhập khẩu từ Nga sau khi Mỹ thắt chặt thực thi lệnh trừng phạt vào cuối năm ngoái. Đầu năm nay, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hãng điều hành tàu chở dầu nhà nước Sovcomflot của Nga, khiến người mua Ấn Độ lo lắng về nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tất cả các nhà máy lọc dầu Ấn Độ hiện được cho là từ chối nhập dầu thô của Nga được vận chuyển trên các tàu của Sovcomflot và đang kiểm tra cẩn thận chuỗi quyền sở hữu của mọi tàu chở dầu thô của Nga để đảm bảo các tàu này không có liên hệ với Sovcomflot hoặc các thực thể khác trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ.

Vào tháng 4, Ấn Độ dự kiến sẽ nhập khẩu lượng dầu cao nhất từ Mỹ trong 11 tháng do việc thực thi nghiêm ngặt hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đang làm chậm dòng chảy dầu thô của Nga sang nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới. Hầu hết dầu thô được mua vào tháng 3 để nạp vào tháng 4 là WTI Midland, mặc dù đắt hơn một số loại dầu thô Trung Đông, nhưng có thể so sánh với loại Sokol của Nga, loại dầu có dòng chảy sang Ấn Độ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt thắt chặt của Mỹ.

Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cũng được cho là đã ngưng mua dầu thô từ Venezuela do lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Venezuela hết hạn vào ngày 18 tháng 4 và có thể dẫn đến những rắc rối nếu không được gia hạn.

Ấn Độ và châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung dầu thô của họ từ các nhà sản xuất OPEC+, bao gồm các nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Đông và Nga, và dầu thô của Mỹ được cho là sẽ giành lấy thị phần đó.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM