Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hàng hoá TG tuần tới 11/3: Những kỷ lục giảm giá

Hàng hoá nguyên liệu trên thị trường thế giới, từ dầu tới kim loại, ngũ cốc….vừa trải qua tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng nhiều tháng do áp lực dư cung trong bối cảnh triển vọng nhu cầu trì trệ ở Trung Quốc và đồng USD tăng giá.

Chỉ số giá hàng hoá CRB giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 do giá dầu, quặng sắt giảm mạnh nhất kể từ tháng 11; giá đồng, ngô giảm mạnh nhất kể từ tháng 8.

Các chuyên gia nhận định thị trường hàng hoá có thể sắp chuyển sang chu kỳ giảm giá sau đợt tăng khá mạnh vào năm ngoái. Trung Quốc có thể sẽ không còn là động lực tăng giá nữa, thị trường cần hy vọng vào các yếu tố cơ bản (cung – cầu).

Một số yếu tố đang tác động tới xu hướng giá hàng hóa thế giới:

• Đồng USD liên tiếp tăng trong thời gian gần đây trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tích cực nâng lãi suất trong thời gian tới, trước mắt là trong kỳ họp tháng 3;

• Trung Quốc vừa quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống khoảng 6,5%. Thông tin này đã “tác động xấu tới toàn thị trường hàng hoá”, Vishnu Varathan, nhà kinh tế cấp cao của Mizhuho Bank cho biết.

• Nguồn cung nhiều mặt hàng vẫn cao, kể cả dầu mỏ.

Năng lượng: Giá dầu giảm gần 10% trong tuần

Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tiếp tục giảm. Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 4/2017 giảm 79 US cent (1,6%), xuống 48,49 USD/thùng. Đây là mức chốt phiên thấp nhất của mặt hàng này kể từ ngày 29/11/2016. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2017 cũng hạ 82 US cent (1,6%), xuống 51,37 USD/thùng.

Ngày 9/3, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái để tuột mốc 50 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI mất 9,1%, còn dầu Brent lùi 8,1%, nhiều nhất kể từ tháng 11/2016. 

Giá dầu Brent tại London

Giá dầu WTI tại New York

Liền trong 4 phiên giao dịch cuối tuần giá liên tiếp giảm, trong bối cảnh tồn trữ của Mỹ tăng cao. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 8/3 cho biết, lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng 8,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/3, lên 528,4 triệu thùng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng này đã vượt xa dự đoán của thị trường, làm dấy lên nỗị lo ngại về nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Ngoài ra, kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ tăng cao kỷ lục cũng làm gia tăng quan ngại về sự hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của các nước trong và ngoài OPEC. Dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh cho thấy cán cân cung – cầu vẫn còn dư thừa lớn.

Báo cáo hàng tuần của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng 8 giàn, lên 617 giàn.

Trong bản phân tích “Thị trường dầu mỏ 2017” mà IEA vừa công bố, cơ quan này cho rằng ngay cả khi giá dầu chỉ dao động trong khoảng 60 USD/thùng thì sản lượng dầu đá phiến của Mỹ vẫn sẽ gia tăng trong thời gian tới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Kim loại quý: Giá vàng giảm khoảng 2%

Trong khi thị trường ngày càng nghiêng về dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, vàng rớt giá thê thảm trong suốt nhiều phiên qua, chứng kiến chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 7/2015.

Giá vàng giao tháng 4/2017 giảm 1,8 USD (0,15%), xuống 1.201,4 USD/ounce, mức đóng cửa thấp nhất kể từ đầu năm và là chuỗi giảm giá dài nhất của kim loại quý này kể từ tháng 7/2015. Cuối tuần có lúc giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng mất khoảng 2%, sau khi hạ 2,5% tuần trước đó.

Số việc làm mới mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm trong tháng Hai vừa qua đạt 235.000 việc làm, vượt dự báo của giới phân tích, đưa tỷ lệ thất nghiệp tháng này giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống 4,7%. Trong khi đó, mức lương trung bình mỗi giờ làm việc của người lao động Mỹ cũng được cải thiện trong tháng vừa qua, tăng 0,2%.

Chủ tịch Fed, Janet Yellen hồi tuần trước cho biết ngân hàng này sẽ sẵn sàng nâng lãi suất trong tháng 3/2017 và sẽ tiếp tục tăng thêm một vài lần nữa vào cuối năm nay, nếu các dữ liệu về việc làm và lạm phát của Mỹ tiếp tục đáp ứng sự kỳ vọng. Bình luận này của bà Yellen càng củng cố khả năng lãi suất sẽ được nâng lên trong cuộc họp sắp tới của Fed, dự kiến sẽ diễn ra vào hai ngày 14-15/3. Lãi suất cao hơn sẽ làm đồng USD tăng giá và khiến cho những hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.

Vàng nhạy cảm với chính sách lãi suất của Mỹ cũng bởi lãi suất tăng sẽ khiến xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro cao hơn và làm cho các tài sản an toàn như vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.

Thông tin trên khiến giá vàng tiếp tục “đổ dốc”, bất chấp đồng USD suy yếu, phá vỡ mối quan hệ ngược chiều thường thấy.

Kim loại công nghiệp: Giá đồng thấp nhất gần 2 tháng

Giá đồng giảm 6 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất gần 2 tháng, 5.707 USD/tấn do tồn trữ tăng. Tồn trữ trên sàn London (LME) hiện cao nhất kể từ tháng 12 do lo ngại về nhu cầu của châu Á. Tính chung cả tuần, giá đồng đã mất 3,5%, nhiều nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Quặng sắt Trung Quốc trải qua tuần giảm giá nhiều nhất trong vòng 5 tuần cũng bởi tồn trữ tăng. Nhu cầu thép đang giảm sút khiến giá thép giảm, kéo quặng sắt giả theo. Kể từ 27/2 tới nay, thép xây dựng tại trung Quốc đã mất giá 7%.

Cao su: Giá thấp nhất 2 tháng rưỡi

Cao su tại Tokyo vừa trải qua 3 phiên liên tiếp giảm giá, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi, theo xu hướng giá giảm tại Thượng Hải. Các nhà đầu cơ Trung Quốc quay lưng lại với cao su cũng như những mặt hàng khác và giảm bớt lo ngại về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến cho giá giảm. Giá cao su TOCOM – tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á – đã giảm 4,1% trong tuần, và tính từ cuối tháng 1 tới nay đã mất gần 30%.

Thái Lan đã tạm hoãn cuộc bán đấu giá 120.000 tấn cao su dự định diễn ra vào ngày 7/3/2017 do giá thấp hơn dự kiến.

Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) ngày 8/3 đưa ra dự báo sảnlượng cao su thiên nhiên năm 2017 sẽ vượt trên 3 triệu tấn so với nhu cầu. Năm ngoái, sản lượng đã vượt 2,7 triệu tấn. Sản lượng của các nước thành viên năm 2017 dự báo tăng 4,2% so với năm ngoái mặc dù sụt giảm trong 2 tháng đầu năm.

Về cơ sở dự báo nguồn cung sẽ tăng cho tới tháng 5/2017, tổng sản lượng trong 5 tháng đầu năm 2017 dự báo sẽ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước lên 4,048 triệu tấn. Số liệu dự báo mới nhất cho rằng sản lượng năm 2017 sẽ đạt 11,214 triệu tấn, tăng 4,2% so với 10,767 triệu tấn năm 2016.

Tiêu thụ ở các nước thành viên ANRPC cũng tăng 3,3% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, và dự báo sẽ tăng 1,8% trong năm 2017 so với năm trước lên 8,199 triệu tấn.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội cho thấy sản lượng giảm 2,2% trong 2 tháng đầu năm đúng vào thời điểm nhu cầu của khu vực ANRPC tăng 3,3%. Sản lượng giảm do lũ lụt ở Thái Lan và mùa cây cao su trút lá năm nay sớm hơn mọi năm. Ngoài Thái lan, hầu hết các nước sản xuất lớn khác đều tăng sản lượng. Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ trong 2 tháng tăng 30% lên 116.000 tấn. Song nhìn chung, yếu tố cung- cầu cũng như các yếu tố khác đều hỗ trợ thị trường trong khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, ANRPC cảnh báo giá cao su thiên nhiên có thể sẽ biến động mạnh theo xu hướng giá dầu thô, biến động tỷ giá tiền tệ và luồng vốn của các quỹ đầu cơ. Tiêu thụ chắc chắn cũng sẽ tăng sau quyết định gần đây của Mỹ là không áp thuế chống phá giá với lốp xe tải và xe bus xuất xứ Trung Quốc.

Sữa: Giá giảm gần 20% sau 12 phiên giao dịch

Sữa cũng vừa trải qua giai đoạn giảm giá kéo dài gần nửa tháng. Chỉ trong 2 phiên giao dịch vừa qua, giá sữa trên sàn giao dịch New Zealand (NZX) đã giảm hơn 10%, và sau 12 phiên vừa qua mất 19,2%, xuống mức thấp nhất 7 tháng, dưới 2.600 USD/tấn.

Triển vọng thị trường hàng hoá tuần tới, xu hướng giá giảm sẽ chưa sớm kết thúc. Đồng USD tăng và báo cáo mới nhất của USDA điều chỉnh tăng hàng loạt dự báo về giá nông sản, cộng với dự trữ xăng dầu cao ở Mỹ và nhu cầu yếu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục kìm hãm giá hàng hoá.

Ngũ cốc và hạt có dầu: Giá ngô giảm 4%

Phiên cuối tuần, giá đậu tương kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng bởi triển vọng sản lượng của Brazil sẽ cao kỷ lục và như vậy xuất khẩu của Mỹ sẽ bị sụt giảm.

USDA dự báo sản lượng của Brazil sẽ đạt kỷ lục 108 triệu tấn, cao hơn 4 triệu tấn so với dự báo tháng trước.

Cơ quan thống kê nông nghiệp của Brazil, Conab, cũng nâng dự báo sản lượng đậu tương nước này niên vụ 2016/17 lên 107,6 triệu tấn, cao hơn 2 triệu tấn so với dự báo trước.

Ngô cũng vừa trải qua 5 phiên liên tiếp giảm giá và giảm hơn 4% trong cả tuần, nhiều nhất kể từ tháng 9, do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu. USDA nâng dự báo tồn trữ ngô thế giới cuối vụ 2016/17 lên 220,68 triệu tấn, cao hơn mức dự báo của thị trường.

Hàng hóa nhẹ: Giá đường giảm 5 tuần liên tiếp, xuống thấp nhất 3 tháng

Phiên cuối tuần giá đường hồi phục nhẹ khỏi mức thấp nhất 3 tháng của phiên trước đó. Đường thô giao tháng 5 trên sàn New York kết thúc tuần ở 18,22 US cent/lb, trong khi đường trắng giao cùng kỳ hạn tại London ở mức 512,40 USD/tấn. Đường đã giảm giá liên tiếp trong 5 tuần qua.

Cà phê biến động nhẹ trong phiên cuối tuần nhưng vẫn ở mức thấp. Arabica giao tháng 5 trên sàn New York tăng 0,9 US cent hay 0,6% so với phiên trước lên 1,4135 USD/lb, trong khi robusta giao tháng 5 giảm 12 USD hay 0,55% xuống 2.170 USD/tấn.

Mưa đến ở khu vực trồng cà phê chính của Brazil hứa hẹn sản lượng sẽ hồi phục.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 4/3

Giá 11/3

Giá 11/3 so với 10/3

Giá 11/3 so với 10/3 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

53,33

48,49

-0,79

-1,60%

Dầu Brent

USD/thùng

55,90

51,37

-0,82

-1,57%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

38.700,00

36.080,00

-940,00

-2,54%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,83

48,49

-0,79

-1,60%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

165,31

160,01

-2,42

-1,49%

Dầu đốt

US cent/gallon

159,36

150,36

-2,59

-1,69%

Dầu khí

USD/tấn

487,00

459,75

-2,75

-0,59%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

48.440,00

45.760,00

-830,00

-1,78%

Vàng New York

USD/ounce

1.226,50

1.201,40

-1,80

-0,15%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.501,00

4.425,00

-1,00

-0,02%

Bạc New York

USD/ounce

17,74

16,92

-0,11

-0,66%

Bạc TOCOM

JPY/g

65,70

62,50

+0,20

+0,32%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

1,003.33

942,50

+7,25

+0,78%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

777.59

747,52

-0,40

-0,05%

Đồng New York

US cent/lb

269,65

259,50

+1,50

+0,58%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

5.917,00

5.732,00

+42,00

+0,74%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.892,00

1.880,00

+12,00

+0,64%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.775,00

2.705,00

+23,50

+0,88%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

19.500,00

19.350,00

+75,00

+0,39%

Ngô

US cent/bushel

380,75

364,25

-2,75

-0,75%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

453,50

440,50

-3,50

-0,79%

Lúa mạch

US cent/bushel

242,25

246,25

+5,75

+2,39%

Gạo thô

USD/cwt

9,59

9,69

-0,01

-0,15%

Đậu tương

US cent/bushel

1.037,50

1.006,50

-4,50

-0,45%

Khô đậu tương

USD/tấn

333,00

328,70

+0,20

+0,06%

Dầu đậu tương

US cent/lb

34,38

32,68

-0,43

-1,30%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

532,60

522,90

-3,60

-0,68%

Cacao Mỹ

USD/tấn

1.955,00

1.934,00

+36,00

+1,90%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

143,30

141,35

+0,90

+0,64%

Đường thô

US cent/lb

19,52

18,22

+0,22

+1,22%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

168,45

172,05

+0,70

+0,41%

Bông

US cent/lb

77,99

77,29

-0,53

-0,68%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

370,60

362,50

+1,00

+0,28%

Cao su TOCOM

JPY/kg

279,90

263,50

+1,80

+0,69%

Ethanol CME

USD/gallon

1,51

1,52

+0,03

+2,15%

 

Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM