Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kết luận thanh tra về xăng dầu: Điều hành giá chưa sát thị trường, thương nhân tự ngừng kinh doanh

Thanh tra Chính phủ kết luận, việc quản lý giá xăng dầu thông qua giá cơ sở xăng dầu hiện còn nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu không theo sát thị trường, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn và phân phối xăng dầu.

Thiếu hụt xăng do dự trữ xăng dầu không đảm bảo

Thiếu hụt xăng do dự trữ xăng dầu không đảm bảo

Tự ngừng kinh doanh nhập khẩu xăng dầu vì giá cơ sở bất cập

Liên quan đến việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định tại Luật giá số 11/2012/QH13, việc áp dụng biện pháp định giá là có thời hạn.

Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ đang cho áp dụng giá cơ sở xăng dầu để điều hành thị trường xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, nhưng việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại.

Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với giá thị trường như: quyết định mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính giá cơ sở thiếu cơ sở pháp luật, áp dụng “định mức” về chi phí từ nhiều năm trước không phù hợp với thị trường;

Chi phí premium đưa vào giá cơ sở lớn hơn chi phí premium thực tế tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; áp dụng chi phí định mức cố định đã ban hành từ năm 2014 không còn phù hợp với thực tế hiện nay…

Trong khi đó, Bộ Công Thương lại căn cứ vào cơ sở tính bình quân 15 ngày/10 ngày giá xăng dầu thế giới và các chỉ tiêu do Bộ Tài chính thông báo để áp dụng và tính giá cơ sở xăng dầu…

Thực tế này dẫn đến giá cơ sở xăng dầu không tính đúng, tính đủ theo giá thế giới và các chi phí khác như: chi phí thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, premium và không theo kịp biến động của thị trường nên khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ.

Ví dụ như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Tổng công ty xăng dầu Quân đội năm 2022 đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu giảm, mặt hàng xăng hạn mức nhập khẩu bằng 0. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.

Ngày 24-2-2022, Bộ Công Thương có quyết định 242/QĐ-BCT, giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý II-2022 cho 10/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Nhưng kết quả thanh tra cho thấy, hầu hết các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đáp ứng tiến độ, khối lượng nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức được giao.

Xăng thiếu 589.035 m3/794.418m3, dầu thiếu 628.637m3/1.248.966m3. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cơ sở xăng dầu thấp, nhập khẩu về bán lỗ.

Để đảm bảo thu được lợi nhuận định mức và thu hồi vốn, các thương nhân đầu mối nhập khẩu thiếu khối lượng xăng dầu được giao, phải cắt giảm toàn bộ chi phí bán lẻ, giảm mức chiết khấu khối lượng xăng dầu được giao, phải cắt giảm chi phí bán lẻ, giảm mức chiết khấu cho đại lý, dẫn tới tình trạng chiết khấu bằng 0. Nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu tự ý không bán hàng, góp phần làm gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương- Tài chính đã thiếu kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối, dẫn tới một số thương nhân đầu mối xây dựng giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu thiếu cơ sở; Chỉ gửi quyết định điều chỉnh giá, không gửi văn bản kê khai giá/văn bản đăng ký giá đến Bộ Công Thương.

Tổ Liên ngành được thành lập để giúp Liên Bộ Công Thương- Tài chính thực hiện điều hành giá nhưng tổ này lại làm việc không theo quy chế, không hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả xây dựng giá cơ sở xăng dầu, quá trình vận hành thị trường xăng dầu.

Quản lý lỏng lẻo để dự trữ xăng dầu thiếu hàng triệu m3

Theo quy định, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và 20 ngày tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Từ năm 2017 đến ngày 30-9-2022, có 15/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chiếm 90% thị phần xăng dầu tiêu thụ trong nước dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu thiếu về số tháng trong năm, số ngày trong tháng với tổng sản lượng xăng dầu dự trữ thiếu là 1.028.918,8 tấn/m3.

Đặc biệt trong tháng 9-2022, có 9/15 thương nhân đầu mối dự trữ xăng thiếu từ 5-9 tháng/9 tháng và có 8/15 thương nhân đầu mối dự trữ dầu thiếu từ 6-9 tháng/9 tháng;

Có 6/15 thương nhân đầu mối dự trữ xăng thiếu 8-13 ngày/20 ngày và 4/15 thương nhân đầu mối dự trữ thiếu dầu từ 8-14 ngày/20 ngày.

Vì thế nên khi nguồn cung khan hiếm, không đủ xăng dầu dự trữ để bán ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bình ổn thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Bộ Công Thương đã quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh, thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 83.

Kéo theo đó, không khắc phục được việc các thương nhân đầu mối dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu thiếu trong nhiều năm (từ 2017 đến 30-9-2022), ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng…

Nguồn tin: An ninh thủ đô

ĐỌC THÊM