Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới: Biến động của tháng 10

Kinh tế thế giới chứng kiến mở đầu quý IV đầy biến động: những xung đột tiền tệ giữa các quốc gia, những bài toán kinh tế nan giải đối với các chính phủ, sự hồi hộp lo lắng của thị trường trước những thông tin của tháng 11. 

Nguồn: Stox

 

Chiến tranh tiền tệ

Căng thẳng tiền tệ trở thành tâm điểm của thế giới trong tháng 10 này. Những cáo buộc của Mỹ đối với việc kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc, những phát biểu cũng như phân tích về một cuộc chiến tranh tiền tệ đang hoặc sẽ nổ ra trở thành vấn đề nóng bỏng nhất trong các hội nghị quốc tế. Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm 20 nước giàu nhất thế giới, theo đúng dự báo, không đưa ra được bất kỳ một thỏa thuận hay biện pháp nào cụ thể. Tuyên bố chung của hội nghị, mang tính chung chung về một thỏa thuận không thực thi can thiệp tiền tệ của các nước thành viên, không có nhiều tác dụng trong việc hạ nhiệt thị trường. Ngày 25/10, đồng Yên của Nhật Bản đạt đỉnh cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây so với đồng USD.

Biến động tiền tệ của đồng tiền các quốc gia trên thế giới so với đồng đô la Mỹ

 trong tháng 10

(Số liệu ghi nhận vào ngày 31/10 – Nguồn: Oanda.com)

Hầu hết đồng tiền của các quốc gia trên thế giới đều tăng giá so với đồng USD. Các quốc gia mới nổi với dòng vốn từ khắp nơi trên thế giới chảy vào cũng tỏ ra thận trọng trước sự tăng giá của đồng nội tệ. Những nước cạnh tranh với Trung Quốc trong xuất khẩu không dám mạo hiểm với thị trường tiền tệ tự do một khi Trung Quốc vẫn duy trì đồng Nhân dân tệ gần như không biến động do lo ngại những thiệt hại tỷ giá đối với nền kinh tế.

Động lực phục hồi

Tại cựu lục địa, Liên minh Châu Âu chưa tìm ra được lối thoát cho nền kinh tế chung khi xuất hiện sự phân cực rõ ràng bên trong khối liên minh kinh tế. Đức chứng kiến nền kinh tế vững chắc đi lên sau khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong khi đó, Ireland, Hi Lạp, Tây Ban Nha với những khoản nợ khổng lồ trở thành gánh nặng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Các vấn đề nghiêm trọng khác như tỷ lệ thất nghiệp 10,1%, thâm hụt ngân sách, chi phí vốn trở thành bài toán cho không riêng quốc gia nào. Người dân tại đây chưa kịp ăn mừng nền kinh tế thoát khỏi hố sâu suy thoái đã ngay lập tức phải lo lắng về động lực phục hồi của nền kinh tế. Không chỉ riêng kinh tế Châu Âu, nền kinh tế Mỹ cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Khi tiêu dùng nội địa không còn có khả năng duy trì nội lực cho nền kinh tế, hay nói đúng hơn, người tiêu dùng thiếu lòng tin vào sự ổn định của nền kinh tế, tất cả các quốc gia phát triển đều hướng tới một mục tiêu chung: Đẩy mạnh xuất khẩu. Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Chính thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng giữa Mỹ và Trung Quốc – 28 tỷ USD trong tháng 8 là nguồn gốc của những bất đồng tiền tệ giữa hai quốc gia. Chính phủ Tổng thống Obama đặt kế hoạch tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu của nước Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Trung Quốc

(Nguồn: Economist)

Trung Quốc đã từ lâu không chỉ là công xưởng của thế giới mà còn là đích ngắm đầu ra cho các nền kinh tế lớn. Ví dụ trên cho thấy sự phục thuộc ngày càng lớn của các nước phát triển vào khối các nền kinh tế mới nổi, như một động lực cho sự phục hồi kinh tế.

Tháng 11: xác định rõ hướng đi cho nền kinh tế?

Khi chu kỳ nới lỏng định lượng lần 2 (QE 2) chuyển từ một khả năng sang một sự chắc chắn, thị trường ngừng suy đoán về sự xuất hiện của QE 2, thay vào đó là phương thức tiến hành của FED và hiệu quả thực tế của biện pháp này. Bên canh đó, giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay đã bao gồm cả niềm hi vọng về những tác động tích cực mà nới lỏng định lượng lần 2 có thể tạo ra. Do đó, FED đang đặt mình vào một vị trí khó khăn với quyết định làm thế nào tạo nên được hiệu quả thông qua việc bơm tiền vào thị trường lần này.

Khi thị trường không còn phải suy đoán mà mọi thông tin trở nên rõ ràng, đây sẽ là điểm mốc cho xu hướng vận động của nền kinh tế trong quý IV.

ĐỌC THÊM