Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng mong manh

Hướng dẫn làm thủ tục tại một
trung tâm tìm việc làm ở
Xan Phran-Xi-Xcô, Ca-Li-Pho-Ni-A (Mỹ)

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, kinh tế thế giới đang trên đường phục hồi sau cuộc suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể bị tổn hại vì cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và nhiều vấn đề khác. Theo đánh giá mới nhất của WB, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế toàn thế giới sẽ đạt khoảng từ 2,9% đến 3,3% trong hai năm 2010 và 2011 và sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn trong năm 2012.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển sẽ nhanh hơn các nước giàu. Ðánh giá trên của WB được đưa ra sau khi các con số thống kê cho thấy, chỉ số tại các thị trường chứng khoán quan trọng trên toàn thế giới, nhất là Trung Quốc, tăng đáng kể. Theo thống kê, các chỉ số trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua khi khối lượng hàng xuất khẩu và các khoản vay tại nước này tăng đều đặn. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã tăng tới 48% trong tháng 5 vừa qua so cùng kỳ năm 2009. Các chuyên gia nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức cao đã giúp kinh tế thế giới vượt qua nguy cơ suy sụp. Về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tính đến cuối tháng 4 vừa qua, số việc làm được quảng cáo ở nước này tăng lên 3,1 triệu so với 2,8 triệu vào cuối tháng 3. Ðây là số việc chưa có người làm nhiều nhất tính từ cuối tháng 12-2008. Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 vừa qua ở nước này đã giảm 0,2% so với tháng 4, xuống còn 9,7%. Kinh tế trưởng của Tập đoàn JPMorgan Chase M.Phe-rô-li nhận xét, số việc làm được quảng cáo gia tăng cho thấy có tín hiệu lạc quan hơn về thị trường lao động của Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bơ-nan-ki cho biết, sẽ phải mất một thời gian đáng kể để phục hồi gần 8,5 triệu việc làm tại Mỹ bị mất trong cuộc suy thoái vừa qua. Ông Bơ-nan-ki khẳng định rằng, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhẹ và nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm. GDP của Mỹ sẽ tăng khoảng 3,5% trong năm nay, cao hơn một chút so với mức cần thiết để đáp ứng sự gia tăng của lực lượng lao động. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang bước vào giai đoạn phục hồi. Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, quý I-2010, nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán ban đầu do chi tiêu tiêu dùng và đầu tư vào nhà ở tăng rõ rệt. GDP tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 4,9% dự đoán ban đầu, và tăng 1,2% so với quý IV-2009.

Mặc dù, kinh tế thế giới có những dấu hiệu về sự phục hồi, nhưng các chuyên gia cảnh báo sự phục hồi này còn mong manh và có thể bị tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Các chuyên gia lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu bắt đầu từ Hy Lạp có nguy cơ lan sang các nước khác như Hung-ga-ri, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ðan Mạch... Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên hiệp châu Âu (EU) đã phải tung ra các gói cứu trợ cho Hy Lạp. Chính phủ nhiều nước châu Âu đã buộc phải thực hiện kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nhằm tránh rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, đe dọa mục tiêu phục hồi kinh tế. Mới đây, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu ơ-rô đã chính thức thành lập quỹ cứu trợ chống khủng hoảng trị giá 750 tỷ ơ-rô (gần 1.000 tỷ USD) để giúp các nước trong khu vực gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp. Các nước khu vực đồng ơ-rô đã ra tuyên bố chung cam kết cắt giảm chi tiêu hơn nữa và tăng thuế nếu buộc phải thực hiện và sẽ thúc đẩy các cải cách cơ cấu để giảm gánh nặng chi tiêu.

Trong bối cảnh nói trên, IMF đã cảnh báo châu Á về nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Phó Giám đốc điều hành IMF N.Si-nô-ha-ra nêu rõ, những diễn biến nguy hiểm ở châu Âu hiện nay có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến châu Á do khu vực này vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhu cầu bên ngoài. Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính, những rắc rối tín dụng có thể lan sang châu Á thông qua các kênh cấp vốn; cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước thuộc khu vực đồng ơ-rô có thể gây hiệu ứng "đô-mi-nô" sang châu lục này. Bên cạnh đó, mặc dù châu Á đang thu hút được nhiều vốn đầu tư (do có triển vọng tăng trưởng, mức lãi suất thấp...), song một số nền kinh tế lớn trong khu vực lại đối mặt nguy cơ phát triển quá nóng, cần có những chính sách hợp lý. Mặt khác, tâm lý sợ rủi ro có thể khiến cho luồng vốn đổ vào châu Á nhanh chóng đổi hướng. Theo ông Si-nô-ha-ra, chính phủ các nước châu Á cần thận trọng trước những nguy cơ tiềm tàng từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và sẵn sàng hành động khi cần thiết.

Trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ và khó khăn tài chính đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã kêu gọi thế giới cần thực hiện chiến lược chính sách cân bằng để thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế và tạo nhiều việc làm hơn nữa. Tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 99 tổ chức tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) mới đây, Tổng Giám đốc ILO H.Xô-ma-vi-a cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ và các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách có thể tác động trực tiếp đến việc làm và lương của người lao động đúng vào thời điểm phục hồi kinh tế yếu và thất nghiệp vẫn ở mức cao. Ông kêu gọi chính phủ các nước thực hiện chiến lược chính sách cân bằng trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn đối với cả ba nhân tố: bảo đảm phục hồi kinh tế tạo nhiều việc làm; tiến tới tăng trưởng cân bằng, mạnh và bền vững; và khắc phục sự mất cân bằng cơ cấu trước khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc Xô-ma-vi-a nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng ILO chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào về giảm tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2010. Thế giới đang khủng hoảng việc làm với số lao động thất nghiệp lên tới mức kỷ lục là 210 triệu người. Với phương châm "cân bằng và đối thoại", ILO tiếp tục thúc đẩy Hiệp ước việc làm toàn cầu đã được thông qua năm 2009 tại Hội nghị cấp cao các nền kinh tế phát triển và mới nổi bàn giải pháp chống đỡ khủng hoảng. Theo ông H.Xô-ma-vi-a, văn hóa đối thoại xã hội hiện nay phải dựa trên sự tôn trọng quyền của người lao động và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

ND

ĐỌC THÊM