Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới mất cân bằng: Lỗi tại ai?

Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến kinh tế-tài chính đang lớn dần với các hành động đe dọa và trả đũa đã trở nên thường xuyên hơn, trong khi Mỹ và Trung Quốc vẫn đổ lỗi cho nhau về việc gây ra tình trạng mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu.

Không phải lần đầu tiên cũng không phải lần cuối cùng, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc trở thành chủ đề gây tranh cãi ở Washington và làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung, với việc Washington kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc này có thể do bản chất của chính trường Mỹ trước thềm bầu cử quốc hội tháng 11 tới. Sâu xa hơn nữa, hai “gã khổng lồ” kinh tế này - một bên là chủ nợ lớn nhất và bên kia là con nợ lớn nhất - đang cãi nhau về việc hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ hoạt động thế nào sau khủng hoảng tài chính. Trọng tâm của cuộc tranh cãi này là bên nào đã gây ra và phải chịu trách nhiệm về tình trạng mất bằng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Phía Trung Quốc lập luận rằng đồng NDT mạnh hơn sẽ không giúp gì nhiều cho việc giảm khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ bởi giá cả hàng hóa chỉ chịu một phần trách nhiệm, trong khi chịu trách nhiệm chính là những vấn đề mang tính cấu trúc làm gia tăng sự mất cân bằng về đầu tư và tiết kiệm ở cả hai nước. Sự can thiệp của Nhật Bản nhằm kìm giá đồng Yên tuần trước cũng tạo cho Trung Quốc cái cớ để chống lại các yêu sách đòi tăng giá đồng NDT.

Tuy nhiên, gần đây Bắc Kinh cũng đang thực hiện cam kết hồi tháng 6/2010 về việc nới lỏng dần tỷ giá đồng NDT và sự nhượng bộ này tất nhiên nhằm phục vụ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Đồng NDT được điều chỉnh tăng giá dần dần cho phù hợp với tốc độ chuyển đổi của Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế thiên về tiêu dùng nội địa.

Mặc dù tỷ giá hối đoái là trọng tâm chú ý, nhưng vấn đề cơ bản của Trung Quốc là một hệ thống kinh tế trong đó tiết kiệm chiếm tới hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sẽ không có thay đổi căn bản, trừ phi Trung Quốc tiến hành một loạt cải cách từ thể chế, tập đoàn, đến thị trường lao động và an ninh xã hội nhằm đưa nền kinh tế hướng tới sản xuất và tiêu dùng trong nước. Theo giới phân tích, nếu muốn hệ thống kinh tế thế giới vận hành êm ả, ai đó phải giảm tiết kiệm. Trung Quốc và các nước chủ nợ khác hiện đang đứng vào thế chủ động để làm việc này.

Các cuộc tranh cãi về tiền tệ đòi hỏi sự điều chỉnh và hợp tác cấp cao của cả chủ nợ lẫn con nợ. Điều này đã từng xảy ra trong “kỷ nguyên Bretton Woods” và ít lâu sau Hiệp định Plaza cách đây 25 năm. Hiện thời, các nước chủ nợ như Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn để thực hiện bước đi trước tiên. Còn người Mỹ có thể tạo sự khác biệt nếu có thể chứng tỏ rằng họ thực sự nghiêm túc trong việc giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Nhưng thực hiện được điều này lại chẳng mấy dễ dàng. Nước Mỹ hiện thiếu quyết tâm chính trị và có thể phải chờ tới sớm nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, trong khi Trung Quốc cũng không hào hứng gì với cải cách kinh tế xã hội quy mô lớn trước năm 2012.

Tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc và hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây sẽ là cơ hội để làm dịu mọi thứ, không chỉ vì Bộ Tài chính Mỹ có kế hoạch công bố báo cáo tiền tệ nửa năm vào giữa tháng 10 tới, trong đó sẽ cáo buộc Trung Quốc cố tình kìm tỷ giá hối đoái, điều có thể dẫn tới việc đưa kiện ra WTO và áp đặt các mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nếu vì các lý do riêng, Mỹ và Trung Quốc không thể hoặc không muốn nhân nhượng lẫn nhau trong vấn đề tỷ giá và thương mại, các cơ hội hợp tác trong những vấn đề chính sách quan trọng khác sẽ ngày càng ít đi. Thất bại sẽ tạo ra một khoảng trống và khoảng trống ấy sẽ bị lấp đầy bởi chủ nghĩa bảo hộ. Quá trình phản toàn cầu hóa sẽ bắt đầu và điều đó không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả Trung Quốc.

Nguồn: StockBiz

ĐỌC THÊM