Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế toàn cầu chưa thoát hiểm

Sau một thời gian khá trầm lắng giá vàng và dầu thô đã bất ngờ diễn biến trái chiều ở hai mức đỉnh đối nghịch nhau. Vàng đột ngột tăng mạnh lên mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây trong khi giá dầu thô rơi xuống điểm đáy của 3 tháng trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Diễn biến của hai mặt hàng chiến lược này cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự "khỏe" như mong đợi.

Dòng người thất nghiệp tại Mỹ buộc các nhà hoạch định phải đưa ra chính sách nới lỏng.

Thông tin từ thị trường lao động Mỹ xác nhận tỉ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số 1 hành tinh tiếp tục xấu đi đã tác động mạnh tới thị trường kim loại quý. Việc mất đi 131.000 việc làm, cao gấp đôi so với con số 65.000 như dự đoán là một biểu hiện đi xuống của đầu tàu kinh tế thế giới. Sức hấp dẫn của vàng trong vai trò tài sản đầu tư thay thế tăng cao đã khiến kim loại quý nối tiếp phiên tăng giá thứ 8, bật mạnh lên ngưỡng 1208,5 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 16-7. Tâm lý tìm kênh trú ẩn an toàn khi nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro đã đưa vàng lập kỷ lục chuỗi thời gian tăng giá dài nhất từ tháng 11-2009 đến nay.

Việc vàng nới rộng tới 1% giá trị chỉ trong 1 phiên giao dịch còn được hỗ trợ bởi sự sụt giảm mạnh mẽ của đồng USD. Nhiều nhà đầu tư tin rằng danh sách người thất nghiệp tại Mỹ ngày càng dài thêm sẽ buộc các nhà điều hành kinh tế phải có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ để tạo đà cho tăng trưởng. Tuy nhiên, đây cũng là chất xúc tác đẩy đồng bạc xanh mất đi 0,6% giá trị so với đồng euro và phủ màu đỏ lên sàn chứng khoán Mỹ vào cuối tuần vừa qua. Một lần nữa, mối liên hệ nghịch đảo giữa vàng và đồng USD được tái lập khi các nhà đầu tư quay trở lại thị trường kim loại quý.

Trong khi đó, giá dầu thô trượt mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Tại thị trường New York, phiên giảm điểm mạnh nhất của vàng đen từ hôm 27-7 đã được ghi nhận khi mỗi thùng dầu mất đi 1,31 USD, tương đương 1,6% và ấn định các hợp đồng giao dịch ở mức 80,7 USD/thùng. Số đơn trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ leo lên mức cao nhất trong 3 tháng với 479.000 đơn tính hết ngày 31-7, khẳng định tỉ lệ thất nghiệp 9,5% chưa thể cải thiện trong ít ngày tới đã thổi bùng lo lắng về khả năng nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát hiểm.

Cùng với doanh thu ở mức khiêm tốn của thị trường bán lẻ, dự trữ xăng tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua và kho dầu căng phồng do nhận thêm 2,3 triệu thùng đã vẽ lên bức tranh u ám về triển vọng tiêu dùng tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu giảm 2,5%, xuống mức 19,3 triệu thùng/ngày là một thực tế khó thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào một thị trường ít hứa hẹn mang lại lợi nhuận trong thời điểm hiện nay.

Sự chững lại và tuột dốc của dầu mỏ từ mức đỉnh xuống điểm đáy của 3 tháng chỉ trong vài phiên giao dịch đã xóa đi những bước tăng ấn tượng của thị trường dầu trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8 này. Gượng dậy từ những mức thấp kỷ lục do cơn bão khủng hoảng, giá dầu đã dần chinh phục những mốc quan trọng và thẳng tiến qua ngưỡng 82 USD/thùng khi cơn bạo bệnh tài chính kịch phát trên phạm vi toàn cầu có dấu hiệu được đẩy lùi. Tuy nhiên, đà tăng đáng ngại của giá dầu với các nước đang phát triển đã dừng lại.

Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm tìm các biện pháp kinh tế quan trọng trong tuần này đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư. Nhất cử nhất động của FED trong những giờ tới sẽ tác động mạnh đến xu hướng của thị trường vàng. Nhiều chuyên gia tin rằng nếu việc nới lỏng tiền tệ được áp dụng thì kim loại quý sẽ duy trì đà tăng giá. Trong khi đó, nhiều khả năng giá dầu sẽ còn đi xuống do chịu áp lực mạnh từ nguồn cung và sức tiêu thụ sụt giảm của các "ông lớn' trên thế giới. Không thể có kịch bản khác, sức khỏe của nền kinh tế sẽ tiếp tục là hàn thử biểu của thị trường dầu và vàng trong thời gian tới.

Nguồn: HNM

ĐỌC THÊM